Nội dung cải cách bộ máy hành chính nhà nước
Cải cách bộ máy hành chính là một trong những nội dung trọng tâm trong cải cách hành chính nhà nước. Cải cách bộ máy hành chính là một quá trình cải cách rất phức tạp và cần nhiều thời gian, muốn cải cách được thì cần rất nhiều yếu tố. Nội dung trọng tâm trong cải cách bộ máy hành chính cần tập trung vào các nội dung cơ bản sau:
Một là, sắp xếp, tinh giản bộ máy hành chính nhà nước, cải cách cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng cơ bản là làm cho tinh gọn, giảm bớt đầu mối, khắc phục sự cồng kềnh và bất hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, kiện toàn tổ chức nền hành chính theo hướng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực bao quát các thành phần kinh tế – xã hội; đảm bảo cho bộ máy vừa giữ được sự ổn định cần thiết, vừa có sự đổi mới một cách căn bản trong thời kỳ mới, điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ. Quan tâm nhiều hơn đến việc cải cách bộ máy cấp vụ, phòng để đáp ứng nhiệm vụ tham mưu cho bộ về quản lý vĩ mô; vụ và phòng nào có chức năng, nhiệm vụ giống nhau hoặc gắn bó với nhau nên tiến hành sáp nhập để làm cho bộ máy giảm xuống. Cải cách bộ máy hành chính Trung ương theo hướng, có việc, phải có cơ quan chịu trách nhiệm; một bộ hoặc cơ quan ngang bộ có thể quản lý nhiều việc; nhưng một việc không cho phép nhiều cơ quan cùng làm.
Cải cách một bước bộ máy chính quyền địa phương cho phù hợp với thực tế; sắp xếp, điều chỉnh các sở/ban chuyên môn của thành phố theo mô hình bộ máy hành chính đô thị cho thích hợp với vị trí, tính chất, đặc điểm và quy mô của mỗi thành phố; điều chỉnh cơ cấu sở/ban của các tỉnh theo mô hình bộ máy quản lý hành chính ở nông thôn; điều chỉnh bộ máy hành chính cấp tỉnh thành phố đáp ứng yêu cầu xây tỉnh thành đơn vị chiến lược; đối với cấp tỉnh rất cần thiết xây dựng hội đồng nhân dân để tăng cường tính tập thể trong quản lý hành chính tại địa phương. Điều chỉnh lại bộ máy phòng/ban hành chính ở cấp huyện theo hướng xây huyện trở thành đơn vị vững mạnh toàn diện; điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy cấp cơ sở theo hướng xây bản (làng) trở thành đơn vị phát triển. Cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở phân cấp quản lý; sắp xếp, tổ chức lại cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương các cấp theo hướng trách nhiệm rõ ràng, phân công rành mạch, bộ máy gọn nhẹ, tăng cường tính chuyên nghiệp. Nghiên cứu việc thành lập cơ quan hành chính cấp thị xã; sắp xếp một số văn phòng cấp huyện theo hướng một văn phòng làm nhiều việc, có nhiều bộ chỉ đạo. Việc thành lập bộ máy hành chính ở địa phương là dựa trên yêu cầu thực tế của công việc và đặc điểm của địa phương; không cần thiết phải tổ chức như nhau và cũng không cần thiết tổ chức giống hệt với cấp trung ương.
Xem thêm: Cải cách hành chính là gì?
Hai là, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ của chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới, theo hướng: chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện chức năng xây dựng, ban hành thể chế, kế hoạch, chính sách, quản lý vĩ mô, chỉ đạo và kiểm tra thực hiện; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Điều chỉnh những công việc mà chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và chính quyền địa phương đảm nhiệm để khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; chuyển cho các tổ chức khác làm những công việc về dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp thực hiện.
Ba là, phân cấp và phối hợp giữa các cơ quan hành chính các cấp. Thực hiện phân cấp, nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương, tăng cường mối liên hệ và trách nhiệm của chính quyền trước nhân dân địa phương; gắn liền phân cấp công việc với phân cấp về tài chính, tổ chức và cán bộ. Phân cấp là sự phân định các quyền, nhiệm vụ, trách nhiệm…bằng cách quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp theo nguyên tắc tập trung dân chủ để vừa bảo đảm việc điều hành tập trung, thống nhất của Chính phủ đồng thời phát huy dân chủ, nâng cao tính năng động của mỗi địa phương, cơ sở. Phân cấp tạo nên các cơ quan có thứ bậc khác nhau trong một hệ thống, mỗi cấp được giao nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nhất định để phát huy tính tự chủ, năng động và sáng tạo của mình, nhằm phục vụ cho việc thực hiện một hay nhiều nhiệm vụ nào đó đạt hiệu quả cao nhất.
Phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực hiệu quả, thông suốt từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, phối hợp giữa bộ máy trung trương và bộ máy ở địa phương, giữa ngành dọc và ngành ngang. Chủ động phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan chính phủ, giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan do chinh phủ thành lập, giữa trung ương với chính quyền cấp tỉnh về việc lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; về quản lý cán bộ công chức và thu chi ngân sách nhà nước, phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương. Phối hợp đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò của mỗi cơ quan, mỗi cấp, tránh tình trạng trông chờ đùn đẩy lên cấp trên, bỏ trống một số công việc và một việc có nhiều cơ quan thực hiện (nhất là trong lĩnh vực mang lại lợi ích về kinh tế).
Bốn là, xây dựng chính phủ điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, bộ máy hành chính nói riêng. Chính phủ điện tử là chính phủ coi nhân dân như là những khách hàng làm trung tâm dịch vụ của mình. Là việc áp dụng các thành tựu khoa học cộng nghệ thông tin truyền thông, đặc biệt là công nghệ Internet, điện thoại di động, truyền thông tương tác để thiết lập hệ thống truyền thông điện tử nhằm thỏa mãn cao các nhu cầu tìm kiếm nguồn thông tin đa chiều và sử dụng các dịch vụ công của nhà nước đối với bất cứ người dân nào, ở bất kỳ nơi đâu và ở bất kể lúc nào. Việc xây dựng chính phủ điện tử là cách thức hoạt động liên thông của cả hệ thống các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước có ứng dụng công nghệ thông tin điện tử để bảo đảm việc chấp hành và điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước trong mỗi lĩnh vực của đời sống xã hội và cung ứng đầy đủ, khẩn trương các thông tin cho mọi tổ chức, cá nhân thông qua các phương tiện thông tin điện tử. Chính phủ điện tử là việc tạo lập mối quan hệ dịch vụ giữa 3 chủ thể: Chính phủ với nhau, chính phủ với các doanh nghiệp và chính phủ với nhân dân.