LA03.070_Tác động của tự do hóa thương mại tới ô nhiễm môi trường từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở Việt Nam
Chuyên ngành: Quản lý kinh tế Mã số: 62.34.04.10
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thanh Huyền Mã NCS: 911.34.19PB
Người hướng dẫn: 1. PGS, TS Nguyễn Thế Chinh 2. PGS, TS Đinh Đức Trường
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
Trên cơ sở lý luận về tác động của tự do hóa thương mại tới ô nhiễm môi trường từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, luận án đã sử dụng thông số tỉ lệ xuất khẩu, nhập khẩu và tổng kim ngạch trên doanh thu của ngành để đại diện sự tự do hóa thương mại; và đã đánh giá tác động của các thông số này tới lượng thải các dạng ô nhiễm chất độc,ô nhiễm kim loại, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Kết quả các mô hình kinh tế lượng cho thấy:
+ Tự do hóa thương mại có tác động tích cực giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở Việt Nam. Các biến về xuất-nhập khẩu và tổng kim ngạch có tác động ngược chiều với lượng thải trong hầu hết các mô hình đánh giá. Điều này cho thấy khi xuất- nhập khẩu và tổng kim ngạch gia tăng, thì lượng thải các dạng chất độc, kim loại, nước và không khí từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm.
+ Tại cùng mức độ tự do hóa thương mại thì doanh nghiệp (DN) FDI gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn DN Ngoài Nhà nước và DN Nhà nước. Việt Nam dường như đang là “nơi trú ẩn ô nhiễm” thông qua các dự án FDI.
Bên cạnh đó, Luận án đã phân loại ngành sạch, ngành bẩn dựa vào bộ dữ liệu cường độ ô nhiễm công nghiệp của Ngân hàng thế giới và bộ dữ liệu Điều tra doanh nghiệp. Phân loại ngành sạch, ngành bẩn chi tiết đến cấp độ 4 chữ số theo mã VSIC là bộ dữ liệu chi tiết nhất hiện nay.
Những đề xuất rút ra từ kết quả nghiên cứu
Từ kết quả nghiên cứu thực nghiệm, luận án đưa ra các kiến nghị:
Chính phủ Việt Nam cần có chính sách và lựa chọn đối với các DN FDI, hạn chế những dự án thâm dụng lao động và thuộc ngành bẩn như: hóa chất, dệt may, sản xuất than cốc, tinh chế dầu mỏ, đúc kim loại màu…
Cần có các nghiên cứu thực nghiệm để tìm ra cơ chế tác động của tự do hóa thương mại tới ô nhiễm môi trường từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam và kiểm định cơ chế đó.
Cuối cùng, Bộ dữ liệu điều tra doanh nghiệp hằng năm cần có dữ liệu về môi trường như: chi phí xử lý môi trường, chi phí đầu tư xanh, số liệu xả thải….