Nguyên tắc cải cách bộ máy hành chính nhà nước
Cải cách bộ máy hành chính liên quan đến hệ thống chính trị, phải làm thận trọng, có bước đi vững chắc, trong mỗi bước tiến hành cần bảo đảm bảo các nguyên tắc sau:
– Nguyên tắc Đảng lãnh đạo
Trong lĩnh vực hành chính nhà nước, nguyên tắc Đảng lãnh đạo thể hiện cụ thể thông qua các hình thức hoạt động của Đảng như sau:
+ Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách về quản lý nhà nước nói chung và quản lý hành chính nhà nước nói riêng: Trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể chế hoá thành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Ở đây, cần nhấn mạnh là chủ trương đường lối, chính sách của Đảng về những vấn đề có liên quan bao giờ cũng được xác định là cơ sở rất quan trọng để các thủ thể quản lý hành chính nhà nước xem xét và đưa ra quyết định quản lý. Tuy vậy, các nghị quyết của Đảng không phải là văn bản quy phạm pháp luật cho nên để thể chế hoá các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng cần phải có hàng loạt những hoạt động mang tính chất quyền lực nhà nước của các chủ thể quản lý nhà nước.
+ Vai trò lãnh đạo của Đảng trong quản lý hành chính nhà nước thể hiện trong công tác tổ chức cán bộ: Đây là công việc có vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của quản lý hành chính nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng về công tác này thể hiện ở chỗ Đảng bồi dưỡng, đào tạo những đảng viên ưu tú, có phẩm chất và năng lực để gánh vác những trọng trách trong bộ máy hành chính nhà nước. Tổ chức Đảng có ý kiến về việc bố trí, sắp xếp cán bộ vào các vị trí lãnh đạo các cơ quan hành chính nhà nước. Những ý kiến này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên vấn đề bầu, bổ nhiệm được thực hiện bởi các cơ quan hành chính nhà nước theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Ý kiến của tổ chức Đảng là cơ sở để các cơ quan nhà nước xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng.
+ Đảng lãnh đạo bộ máy hành chính nhà nước bằng hình thức kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng trong hoạt động quản lí hành chính nhà nước
Việc kiểm tra này nhằm đánh giá hiệu quả, tính thực tế của các chính sách mà Đảng đã đề ra. Thông qua công tác kiểm tra, các tổ chức Đảng nắm được thông tin hai chiều về tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Trên cơ sở đó, Đảng kịp thời đề ra các biện pháp uốn nắn những biểu hiện lệch lạc nhằm làm cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước đi theo đúng định hướng phù hợp với lợi ích của nhân dân.
Xem thêm: Cải cách hành chính là gì?
– Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Trong quản lý hành chính nhà nước, các chủ thể quản lý hành chính sử dụng pháp luật với tính chất là phương tiện, công cụ quan trọng để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, phương tiện hay công cụ này chỉ thực sự phát huy vai trò, tác dụng khi nó được tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm chỉnh trên thực tế. Vì vậy, pháp chế xã hội chủ nghĩa với nội dung là sự tôn trọng và tuân thủ triệt để pháp luật của các cơ quan, cán bộ công chức nhà nước, các tổ chức và mọi cá nhân đã trở thành nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, trong đó có các cơ quan hành chính nhà nước.
Điều 10 Hiến pháp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào năm 1991 quy định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, mọi tổ chức của Đảng và Nhà nước, các tổ chức quần chúng, các tổ chức xã hội và mọi công chính nhà nước là công việc phức tạp gồm những lĩnh vực hoạt động khác. Đảm bảo thực hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý hành chính nhà nước có nghĩa là phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu đối với từng lĩnh vực hoạt động khác nhau đó, cụ thể là: Thứ nhất, trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai, trong tổ chức thực hiện pháp luật.
– Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào cải cách bộ máy hành chính nhà nước
Điều 2 Hiến pháp năm 1991 quy định: “Nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào là Nhà nước của nhân dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì quyền lợi của nhân dân. Các bộ tộc bao gồm các tầng lớp trong xã hội do công nhân, nông dân và trí thức làm nòng cốt”. Thấm nhuần nguyên tắc quyền lực thuộc về nhân dân, từ khi ra đời, Nhà nước luôn tạo điều kiện để nhân dân lao động thực sự đóng vai trò là người làm chủ đất nước, tham gia tích cực vào quản lý hành chính nhà nước cũng như quá trình cải cách bộ máy hành chính nhà nước.
Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lý hành chính nhà nước không những thể hiện bản chất giai cấp của Nhà nước mà còn tạo điều kiện phát huy sức mạnh của toàn thể nhân dân các bộ tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Việc ghi nhận nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào cải cách bộ máy hành chính nhà nước đã đặt trước nhà nước nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp các phương tiện cơ bản để nhân dân lao động tham gia vào cải cách bộ máy hành chính đồng thời xây dựng cơ chế đảm bảo quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân. Nguyên tắc này thể hiện qua các hình thức tham gia của nhân dân lao động như sau:
+ Tham gia vào hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thông qua cơ quan đại diện
Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nhân dân bầu người đại diện của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Cơ quan quyền lực nhà nước trực tiếp xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong đó có vấn đề quản lý hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, nhân dân còn tham gia vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước với tư cách là các cán bộ công chức trong bộ máy hành chính nhà nước. Với tư cách này, họ có thể đem mọi năng lực trí tuệ và tâm quyết của mình phục vụ nhân dân. Là những người con ưu tú của nhân dân, hơn ai hết, các cán bộ công chức hiểu rõ được tình thế và vận hội của đất nước nên họ có thể đưa ra được những giải pháp thích hợp cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Các cán bộ công chức trong bộ máy hành chính nhà nước được tuyển chọn từ trong các tầng lớp nhân dân lao động, được đào tạo một cách chính quy, được rèn luyện phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, tác phong phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân theo chuẩn mực của người cán bộ công chức. Vì vậy, xét về phương diện này họ chính là những người thực hiện vai trò tham gia quản lý hành chính nhà nước cho nhân dân một cách trực tiếp. Hoạt động công vụ của người cán bộ công chức thể hiện nội dung hoạt động quản lý hành chính của Nhà nước nhưng cũng là sự thể hiện vai trò làm chủ của người dân đối với quá trình quản lý hành chính nhà nước vì lợi ích của chính nhân dân.
+ Nhân dân lao động tham gia hoạt động tự quản ở cơ sở
Hoạt động quản lý hành chính là hoạt động diễn ra trên phạm vi rất rộng, cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Việc người dân tham gia các hoạt động tự quản tại nơi cư trú như tham gia sinh hoạt tổ dân phố, tham gia đội bảo vệ, trực tiếp bầu trưởng bản để quản lý, điều hành hoạt động tại địa phương… là một trong những hình thức tích cực góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước ở địa phương.
– Nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, cải cách bộ máy hành chính nhà nước nói riêng.
Điều 5 Hiến pháp năm 1991 quy định: “Quốc hội và tất cả các cơ quan của Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”.
Nguyên tắc tập trung dân chủ yêu cầu sự kết hợp hài hoà giữa tập trung và dân chủ. Trong hoạt động quản lý nhà nước, tập trung nhằm đảm bảo sự thâu tóm quyền lực nhà nước vào chủ thể quản lý để điều hành, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật, dân chủ là việc mở rộng quyền cho các đối tượng quản lý nhằm phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động quản lý, phát huy khả năng của đối tượng quản lý trong quá trình thực hiện pháp luật. Cả hai yếu tố này phải có sự phối hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ với nhau, chúng có mối quan hệ qua lại và thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển trong quản lý hành chính nhà nước. Nếu chỉ có sự lãnh đạo tập trung mà không có mở rộng dân chủ thì dễ dẫn tới sự lạm quyền của công dân, nảy sinh tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng. Ngược lại, nếu không có sự lãnh đạo tập trung thống nhất sẽ dẫn đến tình trạng tuỳ tiện vô chính phủ, cục bộ địa phương. Trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước, nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện ở những mặt sau:
Thứ nhất, sự phục tùng của các cơ quan hành chính cấp dưới đối với cơ quan hành chính cấp trên, của địa phương đối với trung ương. Sự phục tùng này đảm bảo cho trung ương và các cơ quan hành chính cấp trên có quyền uy để chỉ đạo, giám sát hoạt động của cấp dưới và của địa phương. Thiếu sự phục tùng đó sẽ dẫn đến việc buông lỏng sự lãnh đạo, sự quản lý của trung ương, của cấp trên, làm nảy sinh tình trạng tuỳ tiện, vô chính phủ, cục bộ địa phương. Sự phục tùng trong quản lý hành chính biểu hiện ở cả hai phương diện: tổ chức và hoạt động. Tất cả các yêu cầu và mệnh lệnh do trung ương và cấp trên đưa ra, địa phương và cấp dưới có nhiệm vụ phải thi hành. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng sự phục tùng ở đây không phải là sự phục tùng vô điều kiện mà là sự phục tùng những mệnh lệnh hợp pháp. Đồng thời trung ương, cấp trên phải tôn trọng địa phương, cấp dưới về công tác tổ chức hoạt động và các vấn đề khác trong quản lý hành chính nhà nước, có như vậy mới khắc phục được tình trạng quan liêu, áp đặt ý chí, làm mất đi tính chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của địa phương và cấp dưới.
Thứ hai, sự phân cấp quản lý giữa trung ương với địa phương. Phân cấp quản lý là sự phân định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp trong bộ máy hành chính nhà nước. Khi tiến hành phân cấp quản lý đã có sự chuyển giao thẩm quyền từ cấp trên xuống cấp dưới nhằm đạt được một cách có hiệu quả nhất mục tiêu chung của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Mỗi cấp quản lý có những mục tiêu, nhiệm vụ, thẩm quyền và những phương tiện cần thiết để thực hiện một cách tốt nhất những mục tiêu, nhiệm vụ của mình. Trong phạm vi thẩm quyền được giao, mỗi cấp quản lý được phép tiến hành những hoạt động nhất định nhằm phát huy tính năng động sáng tạo của mình.
Xem thêm: Khái niệm cải cách và cải cách hành chính nhà nước
Thứ ba, hướng về cơ sở. Chính quyền cấp cơ sở (cấp bản) là cấp chính quyền gần dân, sát dân nhất trong bộ máy hành chính nhà nước. Chính quyền cấp cơ sở nắm được tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của người dân và các tổ chức của họ một cách nhanh nhạy và sâu sát nhất. Các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở trung ương và cấp trên cần tạo mọi điều kiện để mở rộng dân chủ ở chính quyền cấp cơ sở và các đơn vị cơ sở – những tổ chức của nhân dân. Điều này sẽ góp phần tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng dịch vụ ở cơ sở đạt hiệu quả cao hơn.
– Nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ
Sự kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ là nguyên tắc phổ biến trong quản lý hành chính nhà nước các nước. Nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ càng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Vấn đề phân cấp quản lý có ý nghĩa chiến lược cho việc khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội; ổn định chính trị, trật tự xã hội; xây dựng và củng cố cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đảng chỉ rõ: “Phân cấp quản lý, phân công trách nhiệm và nhuần nhuyễn nhằm phát huy tính tích cực trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp”[97, tr 65]. Bộ máy hành chính nhà nước là một hệ thống thống nhất thực hiện việc quản lý nhà nước theo lãnh thổ. Cấp trung ương (cấp quốc gia) bao gồm các bộ và cơ quan ngang bộ, chủ yếu tập trung ở thủ đô, chỉ có một số đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ do trung ương thành lập ở các tỉnh đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Chính phủ.
Trong quản lý hành chính nhà nước, sự phối kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ cần phải được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc tổ chức bộ máy chính nhà nước gọn nhẹ, đa chức năng, hiệu lực và hiệu quả đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Nếu quản lý theo ngành mà tách rời yếu tố lãnh thổ sẽ hàm chứa nguy cơ phá vỡ sự thống nhất của các quan hệ kinh tế-xã hội trên lãnh thổ và ngược lại. Trong điều kiện đất nước đang xây dựng nền kinh tế thị trường, nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lí theo lãnh thổ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Nguyên tắc này quy định tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước theo những yêu cầu nhất định.
Trong quá trình cải cách bộ máy hành chính nếu thực hiện đúng các nguyên tắc trên sẽ đảm bảo được mục tiêu xây dựng hành chính quốc gia dân chủ và hiện đại, được chỉ huy thống nhất và thông suốt, có đủ quyền hạn, năng lực, hiệu lực và hiệu quả, một hệ thống cơ quan hành chính hợp lý, hoạt động liên tục, có kỷ cương trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm cho phát triển kinh tế, xã hội, đội ngũ công chức có năng lực và trong sạch, được đãi ngộ thỏa đáng, một hệ thống luật pháp hành chính và thủ tục hành chính đơn giản nhưng rõ ràng, bảo đảm cho bộ máy nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân và chịu sự giám sát của nhân dân.