Đánh gía thực trạng áp dụng Basel II tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Trải qua ba giai đoạn trong lộ trình tăng vốn, đến thời điểm 31/12/2016, hệ sốCAR của hệ thống NHTM Việt Nam đã đạt trên 9% theo Thông tư 13/2010/TTNHNN.
Tuy nhiên do cách tính theo tiêu chuẩn Việt Nam có sự khác biệt nên nếu căn cứ đúng theo những quy định của Ủy ban Basel đưa ra thì sự an toàn của hệ thống NHTM Việt Nam vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần xem xét.
Một là, xuất hiện những dấu hiệu bất ổn “ẩn mình” sau việc đảm bảo CAR tối thiểu;
Kể từ năm 2009, hầu hết các NHTM Việt Nam đều thực hiện theo lộ trình tăng vốn do NHNN đưa ra. Tuy nhiên điểm đáng lưu ý là trong một số năm, CAR của một vài ngân hàng không những đạt chuẩn theo quy định của NHNN mà còn có sự tăng cao bất thường. Ví như năm 2009, CAR của Gia Định Bank là 45,1%, con số này tiếp tục tăng lên 54,92% vào năm 2010. Trong giai đoạn 2009 – 2015, CAR trung bình của ngân hàng này lên đến 30,19% được đánh giá là cao nhất hệ thống. Còn tại Tiên Phong Bank cuối năm 2012, vốn điều lệ của ngân hàng này tăng từ từ 3.000 tỉ đồng lên 5.550 tỉ đồng khiến cho CAR của Tiên Phong Bank đạt tới 40.2% vào năm 2012. CAR tăng cao bất thường phản ánh khả năng xuất hiện những dấu hiệu bất ổn trong hoạt động. Trong trường hợp này cần phải làm rõ sự tăng bất thường của CAR tại các NHTM. Bên cạnh đó theo khuyến nghị của Basel III, trong tình huống CAR ổn định nhưng nếu các NHTM lại có tỷ lệ đòn bẩy tài chính tăng cao cũng có thể báo hiệu những rủi ro tiềm ẩn.
Hai là, hệ thống NHTM có dấu hiệu “đảo nợ”; Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và các dự báo bi quan về triển vọng phục hồi, năm 2011 đã bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Có thể nhận thấy khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt mức thấp thì giá trị của các khoản nợ quá hạn, nợ xấu lại tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu tăng cao đã bộc lộ sự suy giảm trong chất lượng tín dụng. Điều này có thể lý giải là do bên cạnh những tác động khách quan của nền kinh tế và khống chế hạn mức tín dụng xuống còn 20%, việc NHNN giảm tín dụng phi sản xuất xuống còn 16% vào cuối năm 2011 đã hạn chế năng lực mở rộng đối tượng cho vay của các ngân hàng. Nhiều NHTM cổ phần quy mô nhỏ đã tìm đến những khoản vay có hệ số rủi ro cao dẫn đến nhiều khoản vay đến hạn không trả được nợ.
Xem thêm: Thực trạng áp dụng Basel II tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Từ năm 2010, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng cao. Đặc biệt 2012 là năm hệ thống NHTM có tỷ lệ nợ xấu cao nhất: 3,1% nhưng đây cũng là năm CAR trung bình của các NHTM đạt mức cao nhất: 17,2%. Về nguyên lý, nếu các NHTM phân loại nợ theo đúng chuẩn mực quốc tế và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ thì chi phí dự phòng rủi ro sẽ tăng lên, vốn tự có của ngân hàng giảm và CAR phải giảm xuống nhưng thực tế cho thấy CAR của các ngân hàng lại vẫn tăng. Như vậy hoàn toàn có thể nghi ngờ về dấu hiệu giấu nợ, hoặc đảo nợ của các ngân hàng bằng cách đưa vào hạng mục “tài sản khác” làm cho Tài sản Có rủi ro giảm xuống. Những phân tích trên cho thấy mặc dù CAR của hệ thống NHTM cao hơn quy định nhưng điều này không đồng nghĩa với việc khả năng chống đỡ rủi ro của các ngân hàng được bảo đảm.
Ba là, có sự khác biệt trong cách tính CAR của Việt Nam và thế giới; Mặc dù các số liệu trong nước từ phía NHNN, các NHTM và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đều cho thấy phần lớn các NHTM Việt Nam đều có CAR lớn hơn 9%. Tuy nhiên, tỷ lệ CAR của các ngân hàng Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Điều này cho thấy các NHTM Việt Nam vẫn chưa thực sự “đủ vốn” theo tiêu chuẩn quốc tế.