LA06.029_Phát triển du lịch ền vững ở Phong Nha Kẻ Bàng
Có thể nhận thấy, du lịch là một ngành kinh tế phát triển nhanh và hiện nay là một trong những ngành kinh tế hàng đầu của Thế giới. Đối với nước ta, Đảng và Nhà nước đã xác định “du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng mang nội dung văn hoá sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao” (Pháp lệnh Du lịch, 1999) và đề ra mục tiêu “phát triển du lịch thực
sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn” (Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, 2001) và “phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế-xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (Chỉ thị 46/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng khoá VII, 1994).
Nằm ở Bắc Trung Bộ, tỉnh Quảng Bình có tiềm năng du lịch rất đa dạng và phong phú để phát triển nhiều loại hình du lịch. Chương trình phát triển du lịch được đưa vào một trong bốn Chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2001-2005 đã định hướng “Phát triển nhanh du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của
tỉnh. Tăng cường đầu tư phát triển du lịch, trước hết là các tuyến, các điểm như: Khu Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, Đồng Hới-Đá Nhảy. Mở thêm các tuyến du lịch Đèo Ngang-Hòn La, Thạch Bàn-suối nước khoáng nóng Bang, đường Hồ Chí Minh…, mở thêm các tour du lịch trong nước và ngoài nước. Coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, tăng cường giữ gìn trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái”.
Trong những năm qua, du lịch Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Số lượng khách du lịch đến Quảng Bình từ 1999 đến 2004 tăng bình quân hàng năm trên 30%. Nhiều điểm tham quan như Bãi biển Nhật Lệ, Đá Nhảy, Khu suối nước khoáng nóng Bang và đặc biệt Phong Nha-Kẻ Bàng đã trở thành những điểm du lịch yêu thích của du khách. Đặc biệt, kể từ khi Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, số lượng du khách đến Quảng Bình tăng đột biến; nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch được triển khai xây dựng. Bên cạnh những thành quả đã đạt được, du lịch Quảng Bình vẫn còn nhiều khiếm khuyết cần được khắc phục sớm. Đó là: Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn yếu; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu; chất lượng phục vụ du lịch chưa cao; thời gian lưu trú của du khách quá thấp; số lượng khách quốc tế đến Quảng Bình chiếm tỷ trọng không đáng kể; đội ngũ cán bộ công nhân viên làm công tác du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới; môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nhiều.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Phong Nha-Kẻ Bàng được Tổng Cục Du lịch xác định “Khu du lịch sinh thái hang động Phong Nha-Kẻ Bàng” là một trong 31 khu du lịch chuyên đề của cả nước. Tuy đạt được sự tăng trưởng tương đối cao trong những năm qua, nhưng du lịch ở Phong Nha-Kẻ Bàng phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng của mình. Hiện nay, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đang còn yếu kém, phương tiện vận chuyển du khách chưa đúng tiêu chuẩn, khách du lịch đến chỉ có tham quan động Phong Nha và động Tiên Sơn, các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường chưa phát triển, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao. Đặc biệt, sau khi được Uỷ ban Di sản Thế giới của UNESCO tại cuộc họp lần thứ 27 tại Pari đã chính thức công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên Thế giới (ngày 05/7/2003), thì trách nhiệm đối với Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng càng to lớn; đó là làm sao để bảo tồn và phát huy các giá trị độc đáo của Di sản Thiên nhiên Thế giới, làm sao phát triển du lịch một cách bền vững để giữ gìn Di sản Thiên nhiên Thế giới cho hôm nay và các thế hệ mai sau. Xuất phát từ những thực tế nêu trên, việc nghiên cứu phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch bền vững ở Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là rất cần thiết và cấp bách. Làm sao để vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn, giữ gìn Di sản Thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo công bằng xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá địa phương. Là một cán bộ quản lý ngành Du lịch của tỉnh Quảng Bình, thấy được sự bức xúc và cấp thiết của vấn đề đã dẫn đến đề tài: “Phát triển Du lịch bền vững ở Phong Nha-Kẻ Bàng” được lựa chọn.