ThS17.007_Nghiên cứu địa danh huyện bình liêu và thị xã cẩm phả của tỉnh quảng ninh
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1.1. Địa danh là một trong những mảng đề tài còn nhiều mới mẻ nên chưa thực sự được đào sâu nghiên cứu ở nhiều phương diện,vì thế chúng thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Bởi vì khi đi tìm hiểu về địa danh của một vùng đất nào đó không chỉ cho chúng ta hiểu một cách cụ thể về vùng đất, con người, nền văn hoá nơi ấy… mà còn cho chúng ta hiểu thêm về vấn đề ngôn ngữ qua cách sử dụng từ vựng để gọi tên các sự vật, hiện tượng và cơ chế định danh của sự vật, hiện tượng ấy.
1.2. Địa danh là những đơn vị được cấu tạo từ chất liệu ngôn ngữ giống như từ nhưng lại có ưu thế hơn từ về nội dung ngữ nghĩa, sắc thái biểu đạt, biểu cảm và sự tồn tại lâu bền của chúng trong lòng cộng đồng dân cư kể cả khi chúng bị thay đổi, biến mất bởi hầu hết các địa danh khi xuất hiện đều có nguồn gốc, lý do. Chính vì thế địa danh là một kho ”dữ liệu” vô cùng phong phú cần được khai thác.
1.3. Bất cứ địa danh nào cũng đều mang bóng dáng về vùng đất và con người nơi đó. Chính vì thế mỗi địa danh đều luôn có sự liên quan chặt chẽ đến lịch sử, văn hoá, địa lý, dân cư…của vùng đất ấy. Ngoài ra, địa danh còn ghi dấu ấn đậm nét về lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán, tín ngưỡng của cư dân ở một vùng đất. Do đó, nghiên cứu địa danh cũng là một cách bổ trợ thêm kiến thức về ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử.
1.4. Địa danh có những nguyên tắc riêng trong cấu tạo, trong phương thức gọi tên, có thể một vùng đất có nhiều tên gọi khác nhau, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Nghiên cứu địa danh sẽ góp phần tìm hiểu lịch sử phát triển của một vùng đất, làm sáng rõ sự ảnh hưởng và tác động của những nhân tố bên ngoài vào cách đặt tên: đặc điểm văn hoá, sự thiên di, tiếp xúc, hoà trộn giữa các dân tộc về tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán… Mặt khác, địa danh tự nhiên và địa danh nhân văn (nhất là địa danh hành chính) thường là sản phẩm của một chế độ nhất định. Chúng được đặt tên theo những quan điểm, chính sách, ý tưởng của chính quyền hoặc dân chúng thời đó. Nếu một vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống thì nơi đó sẽ có sự phong phú về ngôn ngữ. Sự phong phú này sẽ được dân tộc đó thể hiện rõ trong các địa danh nơi họ sinh sống. Ngoài ra, mỗi địa danh được hình thành trong một hoàn cảnh văn hoá, lịch sử nhất định và những địa danh này chắc chắn sẽ còn lưu giữ mãi về sau.Tất cả những điều trên cho thấy địa danh có thể trở thành ”linh hồn bất tử” đối với mỗi con người.
1.5. Quảng Ninh là một trong những khu kinh tế phát triển của đất nước ởi nó nằm trong tam giác kinh tế mạnh (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh). Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn là khu du lịch nổi tiếng với rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp đặc biệt có vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Ngoài ra, Quảng Ninh còn là mảnh đất lịch sử với dòng sông Bạch Đằng ghi dấu lịch sử, với đệ tứ chiến khu Đông Triều… Không những thế, Quảng Ninh còn có sự đa dạng về địa hình: không chỉ có biển với hàng nghìn hòn, đảo, vịnh, bến… mà có cả vùng núi đá, vùng đồi núi và đồng bằng. Quảng Ninh còn là mảnh đất cư trú của nhiều dân tộc thiểu số như: Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan… Những điều kiện đó đã tạo nên sự đa dạng, phức tạp về nguồn gốc, đặc điểm cấu tạo và phương thức định danh ở các điạ danh nơi đây.
1.6. Một điều khác biệt mà không phải địa phương nào cũng có đó là ở Quảng Ninh có sự phân vùng, sự khác biệt rõ rệt giữa hai vùng Miền Đông và Miền Tây về địa hình, dân tộc, kinh tế, văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán…Nếu như thị xã Cẩm Phả là vùng đồng bằng thì huyện Bình Liêu là vùng miền núi. Nếu như huyện Bình Liêu chỉ có sông, suối mà không có biển thì thị xã Cẩm Phả lại có bờ biển chạy dọc theo thị xã với nhiều hòn, đảo lớn nhỏ. Huyện Bình Liêu là miền núi cao nên dân tộc thiểu số (đặc biệt là dân tộc Tày) chiếm đa số trong dân cư, chi phối trực tiếp đến đời sống, văn hoá, kinh tế và địa danh của địa phương này. Ngược lại, thị xã Cẩm Phả dân tộc Kinh chiếm số lượng lớn và có ảnh hưởng trực tiếp về nhiều mặt ở mảnh đất này. Vì thế, kinh tế, văn hoá, đời sống sinh hoạt của người dân thị xã Cẩm Phả cao hơn, khác biệt hơn rất nhiều so với huyện Bình Liêu. Do đó, luận văn này chúng tôi đã chọn huyện Bình Liêu (đại diện cho vùng Miền Đông) và thị xã Cẩm Phả (đại diện cho vùng Miền Tây ) thuộc tỉnh Quảng Ninh làm đối tượng để khảo sát, nghiên cứu, so sánh trong luận văn của mình.Từ đó, chỉ ra sự khác biệt sâu sắc trong cách đặt tên, cơ chế định danh, đặc điểm cấu tạo địa danh và sự tri nhận về lịch sử, văn hoá, con người, sự vật, hiện tượng, văn hoá giữa hai vùng miền này