Khái niệm cải cách bộ máy hành chính nhà nước
Cải cách bộ máy hành chính là quá trình lâu dài và phải thực hiện liên tục. Tất cả các nước đều tiến hành cuộc cải cách bộ máy hành chính với sự mong muốn có được nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, minh bạch hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải cách bộ máy hành chính là một yếu tố quan trọng nếu làm tốt thì sẽ đem lại sự thuận lợi rất lớn cho việc quản lý và phục vụ theo đúng bản chất của hành chính. Ngược lại, nếu không thận trọng trong tiến trình cải cách thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công dân cũng như làm tổn thất kinh phí của nhà nước. Cải cách bộ máy hành chính không thể làm xong ngay một lúc mà còn cần có thời gian và có sự cân nhắc, nhận định đánh giá mỗi lần cải cách. Mục đích của cải cách bộ máy hành chính là nhằm làm cho nền hành chính nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân.
Trên cơ sở nghiên cứu khoa học hành chính, đã có nhiều quan điểm vềcải cách bộ máy hành chính được đưa ra như sau:
– “Cải cách bộ máy hành chính nhằm tạo sự thích ứng với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cải cách bộ máy hành chính nhà nước phải tăng cường tính tập trung thống nhất quản lý của Chính phủ, cơ quan nhà nước ở trung ương trên những ngành, lĩnh vực, vấn đề cơ bản, chủ yếu. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền địa phương, kết hợp tốt quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ”[57, tr 256].
Xem thêm: Khái niệm cải cách và cải cách hành chính nhà nước
– Có tác giả nhấn mạnh rằng: “Cải cách bộ máy hành chính là sự đổi mới quan trọng về vai trò, chức năng, trách nhiệm của tổ chức, bộ máy chính phủ, các bộ và cơ quan hành chính các cấp địa phương cho phù hợp với cơ chế mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[34, tr152].
– “Cải cách bộ máy hành chính là bố trí lại cơ cấu tổ chức của Chính phủ; điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ; cải cách bộ máy chính quyền địa phương; cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của cơ quan hành chính các cấp; thực hiện từng bước hiện đại hóa nền hành chính”[5, tr 449].
– Khi tiến hành nghiên cứu về nội dung cải cách bộ máy hành chính nhà nước có tác giả quy định rõ các nội dung và lộ trình thực hiện; họ cho rằng “cải cách hành chính phải tập trung vào 8 nội dung cụ thể: một là, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và chính quyền địa phương các cấp; hai là, từng bước điều chỉnh những công việc mà chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và chính quyền địa phương đảm nhiệm để khắc phục trồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, chuyển giao dịch vụ cho các tổ chức khác; ba là, ban hành các quy định mới về phân cấp trung ương-địa phương, các cấp chính quyền địa phương, gắn phân cấp với tài chính, tổ chức, cán bộ; bốn là, bố trí lại cơ cấu tổ chức của chính phủ hợp lý; năm là, điều chỉnh cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ; sau là, cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; bảy là, cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của cơ quan hành chính các cấp, tám là, thực hiện từng bước hiện đại hóa hành chính”[58, tr 21].
Xem thêm: Cải cách hành chính là gì?
Từ cách tiếp cận nêu trên, mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau nhưng các tác giả đều thống nhất về khái niệm cải cách bộ máy hành chính một sốđiểm như sau:
+ Cải cách bộ máy hành chính là việc sắp xếp, bố trí lại bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở gồm: Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chỉnh phủ, chính quyền địa phương các cấp.
+ Cải cách bộ máy hành chính nhà nước là qúa trình điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
+ Cải cách bộ máy hành chính nhà nước là quá trình thay đổi cách thức tổ chức, lề lối làm việc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước.
Kế thừa những yếu tố hợp lý trong các quan điểm trên, tác giả luận án cho rằng: Cải cách bộ máy hành chính nhà nước có thể được hiểu là quá trình thay đổi, điều chỉnh, bố trí lại bộ máy hành chính nhà nước (Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương các cấp) đáp ứng yêu cầu thực tế khách quan.