LA18.004_Cải cách bộ máy hành chính nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
– Mục đích việc nghiên cứu đề tài là làm rõ những quan điểm, khái niệm khoa học về cải cách bộ máy hành chính nhà nước Lào. Đồng thời đề tài xây dựng luận cứ khoa học thực tiễn cải cách bộ máy hành chính nhà nước CHDCND Lào hiện nay. Từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy CHDCND Lào đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay ở Lào.
– Để đạt được mục đích trên nhiệm vụ đặt ra của việc nghiên cứu là: Xác định khái niệm bộ máy hành chính nhà nước nói chung, bộ máy hành chính nhà nước Lào nói riêng; khái niệm, đặc điểm cải cách bộ máy hành chính nhà nước; mục tiêu, yêu cầu, tiêu chí, nội dung và nguyên tắc của cải cách bộ máy hành chính nhà nước, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến cải cách BMHC nhà nước, đi sâu phân tích, đánh giá thực trạng cải cách bộ máy hành chính nhà nước Lào trong điều kiện hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
– Đối tượng nghiên cứu: Cải cách bộ máy hành chính nhà nước CHDCND Lào được xem là những biện pháp, cách thức và thực hiện thẩm quyền của hệ thống hành pháp trong điều kiện hội nhập nhằm nâng cao vai trò hành pháp và tổ chức của các cơ quan hành chính nhà nước Lào. Do vậy, đối tượng nghiên cứu của đề tài luận án là những hoạt động cải cách bộ máy hành chính nhà nước của Lào đó là: sắp xếp, tổ chức lại hoạt động các cơ quan của chính phủ và cơ quan hành chính các cấp; xác định lại thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chính phủ, các cơ quan thuộc chính phủ và cơ quan hành chính các cấp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
>>> Xem thêm: Cải cách hành chính là gì?
– Phạm vị nghiên cứu: Là đổi mới (cải cách) cách thức, tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước CHDCND Lào. Trong đó đối tượng nghiên cứu cụ thể:
+ Tổ chức, sắp xếp hợp nhất chia tách các cơ quan thuộc bộ máy hành pháp từ trung ương đến địa phương.
+ Nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy cũng như sự phối hợp, phân công hoạt động giữa các bộ phận cấu thành của bộ máy, giữa cơ quan hành pháp với lập pháp và tư pháp trong chừng mực nhất định. Phạm vi về thời gian luận án tập trung nghiên cứu thực tiễn cải cách BMHC nhà nước CHDCND Lào từ năm 2006 đến nay.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
– Phương pháp luận:
Cơ sở phương pháp luận nghiên cứu đề tài là chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin; tư tưởng Cay Son Phôm Vi Han; quan điểm của Đảng và Nhà nước Lào về cải cách bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa.
– Phương pháp nghiên cứu: Các phương pháp nghiên cứu cụ thể cho từng chương, mục trong đề tài luận án bao gồm:
+ Phương pháp tổng hợp, phân tích được sử dụng trong chương 1 khi nghiên cứu các công trình của Việt Nam, Lào và một số nước khác.
+ Phương pháp so sánh được sử dụng đối với chương lý luận về cải cách bộ máy hành chính nhà nước.
+ Phương pháp thống kê, nghiên cứu tài liệu, điều tra xã hội học, chứng minh lịch sử trên cơ sở kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Nhằm đánh giá, kết luận và đưa ra những kiến nghị cụ thể, giải quyết vấn đề của luận án về cải cách bộ máy hành chính nhà nước được sử dụng ở chương 3, chương 4.
5. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết khoa học
– Câu hỏi nghiên cứu
+ Cải cách bộ máy hành chính nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện nay cần tập trung giải quyết vấn đề gì ?
+ Thiết kế mô hình như thế nào hợp lý cho bộ máy hành chính nhà nước CHDCND Lào trong tương lai ?
– Giả thuyết khoa học
+ Cải cách bộ máy hành chính nhà nước CHDCND Lào sẽ thành công khi giải quyết được vấn đề: Sắp xếp lại cơ cấu bộ máy hành chính nhà nước; điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước; phân cấp và phối hợp nhuần nhuyễn, thống suốt từ Trung ương tới cơ sở; phát triển mạng lưới điện tử và phát huy hiệu quả chế độ kiêm nhiệm giữa người đứng đầu cơ quan Đảng và chính quyền.
+ Trong tương lai, đất nước ngày càng phát triển, chính phủ có nhiều việc làm, để đảm bảo cho tổ chức bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả cần phải xây dựng mô hình mới, nhằm phát huy dân chủ và nâng cao vai trò của cơ quan hành chính nhà nước.
6. Những điều mới và đóng góp của luận án
Luận án là công trình nghiên cứu chuyên sâu về cải cách BMHC nhà nước CHDCND Lào dưới góc độ của khoa học quản lý công. Những điểm mới và cũng là những khoa học của luận án khi bảo vệ thành công sẽ là những đóng góp của luận án:
– Những luận điểm về cải cách hành chính nhà nước, cải cách bộ máy hành chính nhà nước là những giá trị quan trọng, thể hiện sự phát triển, thay đổi về chất của bộ máy hành chính nhà nước trong tiến trình quản lý nhà nước ở Lào.
>>> Xem thêm: Khái niệm cải cách và cải cách hành chính nhà nước
– Mục tiêu, yêu cầu, nội dung và các nghiên tắc cải cách bộ máy hành chính nhà nước là phạm trù pháp lý vừa mang tính chung của bộ máy nhà nước nói chung, BMHC nhà nước CHDCND Lào nói riêng là những cơ sở để tổ chức và hoạt động trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử.
– Khái quát thực trạng cải cách BMHC nhà nước CHDCND Lào từ 2006 đến nay nhằm xác định những thành tựu cũng như hạn chế trong việc cải cách BMHC nhà nước Lào trong điều kiện hội nhập và phát triển.
– Xác lập và củng cố quan điểm hoàn thiện cải cách BMHC nhà nước CHDCND Lào.
– Đề xuất những giải pháp cụ thể, sát thực tế có khả năng thực hiện trong tiến trình cải cách BMHC nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý hành chính nhà nước của hệ thống hành pháp Lào hiện nay.
– Ý nghĩa của luận án:
+ Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về cải cách bộ máy hành chính nhà nước Lào. Vì vậy, những kết quả nghiên cứu sẽ là những tiêu chí bổ sung quan trọng cho lý luận và thực tiễn của khoa học quản lý hành chính nhà nước nói chung và của Lào nói riêng.
+ Kết quả nghiên cứu của luận án còn là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các nhà nghiên cứu, giảng dạy và đối với mọi đối tượng học viên của học viện hành chính Lào, Việt Nam, các trường đại học, các cơ sở đào tạo liên quan tới hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Trong chừng mực nhất định công trình còn có giá trị tham khảo cho các nhà quản lý hành chính ở Lào (nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước) trong việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
+ Những kết luận của luận án sẽ góp phần tích cực cho quá trình hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; là cơ sở tiếp tục cải cách BMHC nhà nước đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phát triển cũng như góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền CHDCND Lào hiện nay.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu và kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án gồm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu.
Chương 2: Lý luận chung về cải cách bộ máy hành chính nhà nước.
Chương 3: Thực trạng cải cách bộ máy hành chính nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Chương 4: Quan điểm và giải pháp cải cách bộ máy hành chính nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.