LA08.036_Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Bến Tre
1.1 Lý do nghiên cứu
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập “Cộng đồng ASEAN” vào tháng 12 năm 2015 và tham gia Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường kinh doanh du lịch của Việt Nam có tiềm năng phát triển to lớn đối với mỗi hình thái du lịch. Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam đến năm 2020, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tăng thu ngoại tệ, tạo nhiều việc làm, nâng cao mức sống của người dân. Theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (The World Travel & Tourism Council), du lịch đã đóng góp trực tiếp 4,6% vào tổng sản phẩm quốc nội của đất nước và tạo ra hơn 1,96 triệu việc làm cho người lao động, tương đương với 3,7% tổng lực lượng lao động năm 2014. Ước tính đạt 2,4 triệu lao động, tương đương 4% tổng lực lượng lao động vào năm 2025. Với đặc điểm độc đáo về tự nhiên và văn hóa – xã hội, mang đặc trưng riêng như bờ biển dài từ Bắc đến Nam, nông nghiệp lúa nước, tài nguyên du lịch phong phú,… ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp du lịch Việt Nam nói riêng đã từng bước phát huy được tiềm năng và lợi thế của mình. Trong bối cảnh phát triển đó, du lịch Bến Tre cũng được nhiều người biết đến với các loại hình du lịch đặc thù của vùng sông nước như: nghỉ dưỡng, ẩm thực, du lịch sinh thái miệt vườn, một trong những loại hình ưu thế (chiếm 64% các hình thức hoạt động du lịch của Tỉnh), được du khách ưa chuộng nhờ đặc tính gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường.
Hiện nay, trong tình hình cạnh tranh về điểm đến du lịch, vai trò của doanh nghiệp du lịch ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ chủ yếu dựa vào du lịch (Gooroochurn và Sugiyarto, 2005). Theo Bordas (1994), doanh nghiệp du lịch phải cạnh tranh quyết liệt với nhau về thị trường, sản phẩm và công nghệ trong du lịch. Để có NLCT, doanh nghiệp cần phải dựa trên nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, sản phẩm – dịch vụ, con người và khả năng tổ chức. Nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh (NLCT) cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng, tác giả tập trung nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến NLCT ở cấp độ doanh nghiệp. Theo ông Triệu Công Tinh Thanh, phó tổng giám đốc công ty du lịch Viet Travel, “Bến Tre được nhiều người biết đến là xứ dừa, vì vậy cần phải có sản phẩm thật đặc sắc từ dừa nhằm tạo ra nét riêng của mình”. Bên cạnh đó, Bến Tre còn có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, bởi ở đó còn giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn; giữ được môi trường sinh thái trong lành; giữ được màu xanh của những vườn dừa, vườn cây trái, vườn hoa cảnh, vườn cây giống như: cồn Ông Đạo Dừa, cồn Hưng Phong, cồn Tiên, sân chim Vàm Hồ, các vườn cây ăn trái tại Cái Mơn, bãi biển Thừa Đức Bình Đại, bãi Ngao,… Hệ thống sông ngòi rất phong phú với mạng lưới kênh rạch chằng chịt nối liền nhau đã tạo thành một mạng lưới giao thông đường thủy rất thuận lợi. Ngoài ra, Bến Tre cũng có nhiều di tích như Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri; chùa Hội Tôn, chùa Tuyên Linh, chùa Viên Minh; Mộ các nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Nguyễn Thị Định, Trương Vĩnh Ký.
Hiện nay, đa số các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại Bến Tre vẫn còn ở quy mô nhỏ, phân tán, chưa có sự liên kết lại với nhau, chưa xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; sản phẩm du lịch chưa đa dạng phong phú; phương thức tổ chức hoạt động còn lạc hậu, chưa gắn với nhu cầu thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Với những hạn chế trên thì việc khai thác các lợi thế về môi trường sinh thái, các di tích, sản phẩm – dịch vụ đặc trưng từ cây dừa,… của các doanh nghiệp du lịch Bến Tre còn rất hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến NLCT của doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (gọi tắt là các doanh nghiệp du lịch) tại Bến Tre nhằm đánh giá thực trạng và xác định những yếu tố ảnh hưởng đến NLCT của doanh nghiệp này là cần thiết. Xuất phát từ những lý do trên, tác giả đã chọn hướng “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Bến Tre” làm luận án tiến sĩ kinh tế của mình.
Từ yêu cầu đặt ra trong thực tiễn, tác giả đã hình thành ý tưởng nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu nhằm xác định và đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến NLCT của doanh nghiệp du lịch Bến Tre. Dựa vào lý thuyết về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và một số mô hình nghiên cứu trước đó trong lĩnh vực du lịch đã công bố, tiến trình nghiên cứu của luận án được thực hiện qua các bước: Bước 1, dựa trên mục tiêu nghiên cứu, tác giả tiến hành nghiên cứu tài liệu, các công trình nghiên cứu trước đó để tìm ra các thuộc tính cho nghiên cứu, làm cơ sở để thiết lập dàn bài phỏng vấn chuyên gia và thảo luận nhóm nhằm xác định mô hình nghiên cứu và hoàn thiện thang đo sơ bộ. Bước 2, nghiên cứu sơ bộ, nội dung bước này sẽ tiến hành khảo sát sơ bộ 244 đối tượng nhằm kiểm định độ tin cậy của thang đo với hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá và xây dựng bảng khảo sát chính thức. Bước 3, nghiên cứu chính thức, bước này sẽ thực hiện khảo sát chính thức 359 đối tượng để tiến hành phân tích nhân tố khẳng định CFA (Confirmatory factor analysis) và kiểm định mô hình nghiên cứu bằng phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM (Structural Equation Modeling). Từ nghiên cứu định lượng xác định mức độ ảnh hưởng các yếu tố đến NLCT của doanh nghiệp du lịch, kết hợp với phân tích thực trạng và nguyên nhân các yếu tố này, tác giả đề xuất 2 nhóm giải pháp lớn, với các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao NLCT của doanh nghiệp du lịch Bến Tre.
Tóm lại, luận án được thực hiện với mong muốn đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn, nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến NLCT của doanh nghiệp du lịch Bến Tre. Kết quả nghiên cứu sẽ là bộ tài liệu tham khảo, tư vấn có giá trị cho các doanh nghiệp du lịch của địa phương trong việc hoạch định chiến lược phát triển nhằm nâng cao NLCT và phát triển bền vững. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng là tài liệu tham khảo giúp các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, vận dụng vào quá trình quy hoạch và phát triển ngành du lịch của địa phương