LA16.018_Nghiên cứu phát triển sản xuất dâu tằm bền vững tại tỉnh Thái Bình
Tên tác giả: Lê Hồng Vân
Tên Luận án: Nghiên cứu phát triển sản xuất dâu tằm bền vững tại tỉnh Thái Bình
Chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp Mã số: 9.62.01.15
Tên cơ sở đào tạo: Học viện Nông nghiệp Việt Nam (HVN).
Mục đích nghiên cứu
Đánh giá thực trạng phát triển, mức độ bền vững sản xuất dâu tằm trên địa bàn tỉnh Thái Bình, phân tích các yếu tố ảnh hưởng, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển sản xuất dâu tằm bền vững tại tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.
Phương pháp nghiên cứu
Bằng cách tiếp cận theo các phương pháp như tiếp cận hệ thống sản xuất, tiếp cận phát triển bền vững, tiếp cận theo các tác nhân, tiếp cận có sự tham gia, cùng với xây dựng khung phân tích phù hợp đã giúp triển khai thực hiện tốt các bước thu thập số liệu và thông tin. Các phương pháp phân tích được áp dụng như thống kê mô tả, so sánh, phân tích kinh tế, phương pháp SWOT và đánh giá mức độ phát triển bền vững bằng phương pháp cho điểm theo thang đo 4 mức.
Kết quả chính và kết luận
Qua nghiên cứu đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn cũng như nội dung về phát triển sản xuất dâu tằm bền vững. Đã phát triển các khái niệm có liên quan và đưa ra khái niệm về phát triển sản xuất dâu tằm bền vững. Trên cơ sở phân tích tình hình phát triển sản xuất dâu tằm trên thế giới và trong nước thời gian qua, nghiên cứu khẳng định rằng đối với vùng truyền thống như Thái Bình, sản xuất dâu tằm vẫn có cơ
hội để phát triển và phát triển bền vững. Đề tài đã đúc rút thành bảy bài học kinh nghiệm cho sự phát triển sản xuất dâu tằm tại địa bàn nghiên cứu.
Luận án đã đánh giá, phân tích thực trạng phát triển sản xuất dâu tằm tỉnh Thái Bình từ 2006 đến 2015. Kết quả nghiên cứu cho thấy trồng dâu nuôi tằm là hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện mang lại thu nhập cho 2.905 hộ gia đình và giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 6.414 lao động trong đó chủ yếu là lao động nữ, lao động phụ, lao động nông nhàn. Trong 10 năm qua, sản xuất dâu tằm tỉnh Thái Bình gặp rất nhiều khó khăn và suy giảm nghiêm trọng theo chiều rộng, diện tích dâu giảm 65,1%, số hộ nuôi tằm giảm 67,2%. Nếu xét theo chiều sâu thì sản xuất dâu tằm có bước tiến đáng kể: năng suất dâu tăng 13,1%; năng suất kén tăng 159% đạt 2.108 kg/ha dâu; giá trị sản xuất kén tằm/hecta đất trồng dâu tăng nhanh nhưng không đủ bù đắp sản lượng và giá trị do sự giảm sâu về quy mô sản xuất. Trên tổng thể dâu tằm Thái Bình vẫn là sản xuất nhỏ và kém phát triển. Nghiên cứu đã sử dụng thang đo 4 mức với bộ tiêu chí đánh giá để đo mức độ bền vững của sản xuất dâu tằm tỉnh Thái Bình. Tổng điểm đạt được E = 24/40 điểm, ở mức độ kém bền vững.
Thực tế sản xuất dâu tằm tỉnh Thái Bình đang tồn tại nhiều khó khăn bất cập cần khắc phục là: i) Quy mô sản xuất nhỏ; ii) Chưa tổ chức được nuôi tằm con riêng; iii) Đầu tư hạn chế, thiếu tập trung vào những vấn đề trọng tâm; iv) Kỹ thuật sản xuất lạc hậu, ít nuôi được tằm lưỡng hệ kén trắng; v) Liên kết yếu kém đã hạn chế kết quả và hiệu quả sản xuất. Luận án đã phân tích 6 yếu tố ảnh hưởng chính đến phát triển sản xuất dâu tằm bền vững. Trong đó, thị trường giá cả là nguyên nhân trực tiếp làm sản xuất suy giảm mạnh, nhưng cũng cho thấy tiềm năng của thị trường kén trắng lưỡng hệ có nhu cầu cao và ổn định. Ngoài ra, trình độ của cán bộ, người sản xuất, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tác nhân chưa đủ để giúp cho sản xuất dâu tằm Thái Bình theo kịp xu thế phát triển nuôi tằm lưỡng hệ kén trắng trong và ngoài nước.
Thái Bình cần tận dụng cơ hội thị trường kén trắng, phát huy thế mạnh nuôi tằm điều hòa nhiệt độ đang tăng nhanh, chuyển hướng sang nuôi tằm lưỡng hệ. Để sản xuất dâu tằm ở địa bàn nghiên cứu phát triển bền vững, dựa trên các quan điểm, định hướng và căn cứ khoa học, luận án đề xuất một số các giải pháp chủ yếu là: 1) Hoàn thiện chủ trương, chính sách; 2) Điều chỉnh quy hoạch; 3) Tổ chức sản xuất và hệ thống các tác nhân; 4) Thu hút đầu tư cho phát triển; 5) Nâng cao năng lực cán bộ, nhận thức hiểu biết người sản xuất; 6) Chuyển sang nuôi tằm lưỡng hệ, trồng giống dâu lai mới; 7) Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật; 8) Tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 9) Phát triển thị trường tiêu thụ kén, tơ tằm; và 10) Tổ chức thực hiện các giải pháp. Các giải pháp trên cần phải thực hiện đầy đủ và đồng bộ mới phát huy hết tác dụng, sản xuất dâu tằm mới có thể phát triển bền vững.
Tỉnh Thái Bình cần quan tâm hơn đến sản xuất dâu tằm và nên xem dâu tằm như di sản thế hệ trước để lại, nếu phát triển tốt không những mang lại việc làm, thu nhập cho nông dân, mà còn thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội khác phát triển. Ngược lại, sẽ là điều đáng tiếc nếu sản xuất dâu tằm không còn trên địa bàn. Thái Bình cần có kế hoạch và là người đứng ra tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm huy động sức mạnh của các các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân phục vụ cho công cuộc phát triển sản xuất dâu tằm trong Tỉnh.
Như vậy, kết quả luận án là cơ sở khoa học cho việc định hướng và đưa ra giải pháp phát triển sản xuất dâu tằm bền vững. Luận án là kênh cung cấp thông tin quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý của Bộ, tỉnh Thái Bình, các cơ quan tham mưu, các tổ chức nghiên cứu, kinh tế – xã hội và các cá nhân tham khảo. Đồng thời từ đây cũng rút ra bài học cho các địa phương sản xuất dâu tằm khác.