Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học ở Nhật Bản
(1) Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học
Ở Nhật Bản, nội dung và phương pháp đào tạo ở bậc ĐH được cải thiện song song với quá trình đại chúng hoá. Từ các năm đầu của thể kỷ XXI, giới giảng viên và ban chấp hành các trường ĐH bắt đầu ý thức đến phương pháp đào tạo để thích ứng với nhu cầu mới của sinh viên. Hầu hết các trường ĐH đều chuẩn bị và công bố đầy đủ tài liệu giới thiệu, giải thích nội dung của từng môn học và thực thi các cuộc điều tra ý kiến và mức độ hấp thụ của sinh viên đối với từng môn học. Kết quả của các cuộc điều tra này thường được dùng như một tiêu chí quan trọng trong việc bình xét giảng viên và cải thiện chương trình giáo khoa thích dụng cho các năm sau.
Một nguyên nhân khác đưa đến biến đổi trong phương pháp và nội dung đào tạo ở bậc ĐH trong thế kỷ XXI này là biến đổi trên nhu cầu của xã hội Nhật nói chung, trong đó xí nghiệp dần dần từ bỏ tập quán shushin-koyo (suốt đời làm việc trong một xí nghiệp). Vì người lao động không tiếp tục làm việc nhiều năm trong một xí nghiệp, xí nghiệp không còn tích cực thực thi các chương trình đào tạo tại xí nghiệp, và từ đó có khuynh hướng nhận sinh viên tương đối có đầy đủ kiến thức thực dụng ngay ở thời điểm ra trường.
Xem thêm: Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học ở Anh
(2) Nới rộng phạm vi tự trị của Đại học
Một cải cách mới bắt đầu thực hiện từ năm 2006 là thi hành điều lệ thừa nhận các ĐH quốc lập như một đơn vị độc lập (kokuritsudagakui no hojinka – pháp nhân hóa ĐH quốc lập). Điều lệ này đưa đến một số kết quả cụ thể như các trường có thể thống hợp toàn thể hoặc một vài phân khoa để nâng năng suất giáo dục và nghiên cứu, các trường có thể gia giảm học phí cho sinh viên trong phạm vi 20% của mức học phí quyết định bởi chính phủ, hiệu trưởng trường ĐH được quyền tuyển chọn nhân viên tư nhân và quyết định trong việc tuyển chọn giảng viên và định mức lương cho người từ nước ngoài, v.v. Song song với việc được hưởng phạm vi tự trị rộng hơn, ngược lại các ĐH quốc lập phải tự lập hơn trên mặt ngân sách như phải tự tạo một phần của ngân sách dùng trong các các công trình nghiên cứu. Trước kia ngân sách chính phủ bổ trợ cho các ĐH được quyết định theo truyền thống, dựa vào thông lệ trong quá khứ, ngày nay ngân sách này được quyết định dựa vào tiêu chuẩn cạnh tranh như thành quả nghiên cứu, thành quả giáo dục, tinh thần liên đới với xã hội địa phương, thành tích hoạt động quốc tế, v.v.
Xúc tiến cạnh tranh trong nghiên cứu khoa học. Từ lâu Nhật Bản có mục ngân sách dành riêng cho việc xúc đẩy nghiên cứu khoa học, thường gọi tắt là kakenhi (kagakukenkyuhi – Khoa học nghiên cứu phí). Ngân sách này khá lớn nhằm vào mục đích bổ trợ tổn phí nghiên cứu và công bố thành quả của cá nhân và đoàn thể được tuyển chọn mỗi năm trên tiêu chuẩn cạnh tranh. Song song với chương trình cải cách giáo dục bậc ĐH, từ năm 2006 chính phủ Nhật thực thi một chương trình mới dựa trên mục ngân sách dưới danh hiệu Chấn hưng khoa học kỹ thuật: (kagaku gijutsu shinko chosei-hi, khoa học kỹ thuật chấn hưng điều chỉnh phí). Mục ngân sách mới này nhằm vào mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu dựa trên các căn bản như liên đới quốc tế (thúc đẩy các chương trình nghiên cứu cộng đồng giữa các cơ quan trong và ngoài nước), nghiên cứu phù hợp với nhu cầu địa phương, khuyến khích hoạt động nghiên cứu trong lớp người trẻ tuổi và nữ giới, v.v. Mục ngân sách mới này đã tạo ra một không khí cạnh tranh sôi động trong giới ĐH trong các năm gần đây.