LA20.021_Nguy cơ tái phát sau đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp theo phân tầng một số yếu tố liên quan
Đột quỵ với hơn 80% là thiếu máu não cục bộ (TMNCB) luôn là vấn đề thời sự của y học trên toàn cầu bởi đây là căn bệnh phổ biến, có tỉ lệ tử vong và tàn tật cao, thực sự là gánh nặng cho gia đình và xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển [104], [111], [121]. Ở một số nơi, tỉ lệ mới mắc các biến cố mạch máu não vượt qua cả các biến cố mạch vành [231]. Mặt khác, tại Mỹ, một thống kê mới nhất cho thấy cứ mỗi 40 giây có một bệnh nhân đột quỵ, mỗi 4 phút có một trường hợp tử vong [111]. Dự báo đến năm 2030, đột quỵ sẽ tăng thêm 20,5% so với năm 2012 [209]. Ở Việt Nam, theo Lê Văn Thành, mỗi năm có khoảng 200000 người mắc bệnh và có tới 50% trường hợp tử vong [23]. Bên cạnh đó, đột quỵ đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, gây ảnh hưởng nhiều đến những đối tượng đang trong độ tuổi lao động và là trụ cột chính trong mỗi gia đình [6], [61], [104], [111].
Theo y văn, bệnh nhân đột quỵ TMNCB phải đối mặt với nguy cơ tái phát rất cao, nhất là trong năm đầu tiên [68], [122], [131], [189], [270]. Điển hình, theo Wang và cộng sự (cs), tỉ suất tái phát đột quỵ tích lũy tại thời điểm 1 năm lên tới 17,7% [270]. Hơn nữa, Burn và cs cũng đã chỉ ra rằng nguy cơ tái phát tại thời điểm trên là cao nhất, gấp 15 lần so với dân số chung [68]. Mặt khác, theo các tác giả trong nước, tỉ suất tái phát tại thời điểm 90 ngày và 6 tháng ở mức báo động với các giá trị lần lượt là 10,4% [18] và 20,54% [16]. Nhìn chung, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong dự phòng nhưng đột quỵ tái phát vẫn chiếm khoảng 25 – 40% tổng số bệnh nhân đột quỵ [74], [111], [121].
Nguy hiểm hơn khi tỉ lệ tử vong, tàn tật và chi phí điều trị của loại đột quỵ này đều cao hơn so với đột quỵ lần đầu [158], [170], [217], [235], [240]. Chẳng hạn, theo Ryglewicz và cs thì nguy cơ tử vong tích lũy tại thời điểm 6 tháng và 1 năm ở nhóm bệnh nhân đột quỵ tái phát đều cao hơn có ý nghĩa so với nhóm bệnh nhân không tái phát [235].
Chính vì vậy, theo Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia về đột quỵ thì mặc dù việc điều trị trong giai đoạn cấp có thể làm giảm tỉ lệ tử vong và tàn tật, nhưng chính dự phòng đột quỵ, bao gồm cả đột quỵ tái phát mới mang lại nhiều lợi ích hơn [72], [119], [185]. Để thực hiện tốt điều này chúng ta cần phải biết rõ về tình hình biến động và các yếu tố nguy cơ liên quan theo từng quốc gia, chủng tộc/dân tộc và từng phân nhóm đột quỵ [87], [109], [117], [121]. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về đột quỵ tái phát. Hầu hết các tác giả đều tập trung khảo sát tỉ suất tái phát đột quỵ tích lũy theo thời gian với thời điểm phổ biến nhất là 1 năm và các yếu tố liên quan với nguy cơ tái phát sau đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp [154], [235], [252], [270], [279]. Mặc dù giữa các nghiên cứu vẫn còn nhiều điểm chưa được thống nhất [190] nhưng kết quả mà
chúng mang lại thực sự có nhiều ý nghĩa khoa học, giúp chúng ta có cách nhìn toàn diện về đột quỵ tái phát, một vấn đề quan trọng nhưng ít được biết hơn so với đột quỵ lần đầu. Ở Việt Nam, tính đến hiện tại, số lượng các đề tài đề cập đến khía cạnh này còn khiêm tốn và hầu như chưa thấy nghiên cứu nào có thời gian theo dõi trung bình lên đến 1 năm [16], [18].
Riêng tại khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk là một tỉnh miền núi, có khí hậu đặc thù và nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống với những phong tục, tập quán, lối sống đa dạng. Đặc biệt, trình độ dân trí của một số bộ phận người dân ở đây chưa cao, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số. Chính những điều đó đã và đang ảnh hưởng nhiều đến tình hình biến động của đột quỵ, bao gồm cả đột quỵ tái phát. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào khảo sát về vấn đề này. Do vậy, việc tiến hành nghiên cứu đề tài “Nguy cơ tái phát sau đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp theo phân tầng một số yếu tố liên quan” tại tỉnh nhà là cần thiết với mong muốn góp phần cung cấp thêm những thông tin hữu ích về tình hình đột quỵ tại Việt Nam. Qua đó, chúng ta sẽ có được những biện pháp dự phòng tái phát thích hợp nhằm làm giảm gánh nặng do đột quỵ gây ra.
Mục tiêu nghiên cứu
1. Xác định tỉ suất tái phát tích lũy sau đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp theo thời gian (30 ngày, 90 ngày, 6 tháng và 1 năm).
2. Xác định một số yếu tố có liên quan độc lập với nguy cơ tái phát sau đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp