Các hình thức của đầu tư trực tiếp nước ngoài
Có nhiều tiêu thức để xác định hình thức Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), về cơ bản là:
Thứ nhất, xét theo mục đích đầu tư, Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được phân làm hai hoặc đầu tư theo chiều ngang và đầu tư theo chiều dọc.
– Đầu tư trực tiếp nước ngoài theo chiều ngang: là việc một công ty tiến hành đầu tư trực tiếp nước ngoài vào chính ngành sản xuất mà họ đang có lợi thế cạnh tranh một loại sản phẩm nào đó. Với lợi thế này họ muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở nước ngoài nên đã mở rộng và thôn tính thị trường nước ngoài. Hình thức này thường dẫn đến cạnh tranh độc quyền mà Mỹ, Nhật Bản đang dẫn đầu việc đầu tư này ở các nước phát triển.
– Đầu tư trực tiếp nước ngoài theo chiều dọc: Với mục đích khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên và các yếu tố đầu vào rẻ như lao động, đất đai của các nước nhận đầu tư. Các nhà đầu tư thường khai thác các lợi thế cạnh tranh đó để hoàn thiện qua lắp ráp ở nước chủ nhà. Sau đó các sản phẩm được bán trên thị trường quốc tế. Đây là hình thức khá phổ biến của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các nước đang phát triển.
Thứ hai, xét về hình thức sở hữu, đầu tư trực tiếp nước ngoài thường có các hình thức sau:
Luật Đầu tư 2014 đã quy định 5 hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cơ bản ở Việt Nam , các hình thức này cũng đã được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Sau đây sẽ trình bày 5 hình thức này.
Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài
Hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là hình thức truyền thống và phổ biến của FDI. Với hình thức này, các nhà đầu tư, cùng với việc chú trọng khai thác những lợi thế của địa điểm đầu tư mới, đã nỗ lực tìm cách áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý trong hoạt động kinh doanh để đạt hiệu quả cao nhất. Hình thức này phổ biến ở quy mô đầu tư nhỏ nhưng cũng rất được các nhà đầu tư ưa thích đối với các dự án quy mô lớn. Hiện nay, các công ty xuyên quốc gia thường đầu tư theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và họ thường thành lập một công ty con của công ty mẹ xuyên quốc gia.
Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải chịu sự kiểm soát của pháp luật nước sở tại (nước nhận đầu tư). Là một pháp nhân kinh tế của nước sở tại, doanh nghiệp phải được đầu tư, thành lập và chịu sự quản lý nhà nước của nước sở tại. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nước chủ nhà, nhà đầu tư phải tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Về hình thức pháp lý, dưới hình thức này, theo Luật Doanh nghiệp 2005, có các loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần…
Hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài có ưu điểm là nước chủ nhà không cần bỏ vốn, tránh được những rủi ro trong kinh doanh, thu ngay được tiền thuê đất, thuế, giải quyết việc làm cho người lao động. Mặt khác, do độc lập về quyền sở hữu nên các nhà đầu tư nước ngoài chủ động đầu tư và để cạnh tranh, họ thường đầu tư công nghệ mới, phương tiện kỹ thuật tiên tiến nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao, góp phần nâng cao trình độ tay nghề người lao động. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là nước chủ nhà khó tiếp nhận được kinh nghiệm quản lý và công nghệ, khó kiểm soát được đối tác đầu tư nước ngoài và không có lợi nhuận.
Thành lập doanh nghiệp liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài
Đây là hình thức được sử dụng rộng rãi trên thế giới từ trước tới nay. Hình thức này cũng rất phát triển ở Việt Nam, nhất là giai đoạn đầu thu hút FDI. Doanh nghiệp liên doanh: đây là hình thức FDI, qua đó pháp nhân mới được thành lập gọi là doanh nghiệp liên doanh. Doanh nghiệp mới này do hai hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại nước chủ nhà trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Hình thức này có các đặc trưng: pháp nhân mới được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, có tư cách pháp nhân theo pháp luật của nước chủ nhà. Mỗi bên tham gia vào doanh nghiệp liên doanh là một pháp nhân riêng. Nhưng doanh nghiệp liên doanh là một pháp nhân độc lập với các bên tham gia. Khi các bên đã đóng góp đủ số vốn đã quy định vào liên doanh thì dù một bên có phá sản, doanh nghiệp liên doanh vẫn tồn tại. Mỗi bên liên doanh chịu trách nhiệm với bên kia, với doanh nghiệp liên doanh trong phạm vi phần vốn góp của mình vào vốn pháp định.


Xem thêm: Khái niệm về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Như vậy, hình thức doanh nghiệp liên doanh tạo nên pháp nhân đồng sở hữu nhưng địa điểm đầu tư phải ở nước sở tại. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp liên doanh phụ thuộc rất lớn vào môi trường kinh doanh của nước sở tại, bao gồm các yếu tố kinh tế, chính trị, mức độ hoàn thiện pháp luật, trình độ của các đối tác liên doanh của nước sở tại… Hình thức doanh nghiệp liên doanh có những ưu điểm là góp phần giải quyết tình trạng thiếu vốn, nước sở tại tranh thủ được nguồn vốn lớn để phát triển kinh tế nhưng lại được chia sẻ rủi ro; có cơ hội để đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm; tạo cơ hội cho người lao động có việc làm và học tập kinh nghiệm quản lý của nước ngoài; Nhà nước của nước sở tại dễ dàng hơn trong việc kiểm soát được đối tác nước ngoài. Về phía nhà đầu tư, hình thức này là công cụ để thâm nhập vào thị trường nước ngoài một cách hợp pháp và hiệu quả, tạo thị trường mới, góp phần tạo điều kiện cho nước sở tại tham gia hội nhập vào nền kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, hình thức này có nhược điểm là thường dễ xuất hiện mâu thuẫn trong điều hành, quản lý doanh nghiệp do các bên có thể có sự khác nhau về chế độ chính trị, phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ, luật pháp. Nước sở tại thường rơi vào thế bất lợi do tỷ lệ góp vốn thấp, năng lực, trình độ quản lý của cán bộ tham gia trong doanh nghiệp liên doanh yếu.
Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)
Hợp đồng hợp tác kinh doanh là hình thức đầu tư được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân [luật đầu tư].
Hình thức đầu tư này có ưu điểm là giúp giải quyết tình trạng thiếu vốn, công nghệ; tạo thị trường mới, bảo đảm được quyền điều hành dự án của nước sở tại, thu lợi nhuận tương đối ổn định. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là nước sở tại không tiếp nhận được kinh nghiệm quản lý; công nghệ thường lạc hậu; chỉ thực hiện được đối với một số ít lĩnh vực dễ sinh lời như thăm dò dầu khí.
Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh không thành lập pháp nhân riêng và mọi hoạt động BCC phải dựa vào pháp nhân của nước sở tại. Do đó, về phía nhà đầu tư, họ rất khó kiểm soát hiệu quả các hoạt động BCC. Tuy nhiên, đây là hình thức đơn giản nhất, không đòi hỏi thủ tục pháp lý rườm rà nên thường được lựa chọn trong giai đoạn đầu khi các nước đang phát triển bắt đầu có chính sách thu hút FDI. Khi các hình thức 100% vốn hoặc liên doanh phát triển, hình thức BCC có xu hướng giảm mạnh.
Hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT
“ Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BOT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam.
“Hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (gọi tắt là hợp đồng BTO) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận”
“ Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng BT” (luật đầu tư 2005)
BTO và BT là các hình thức phái sinh của BOT, theo đó quy trình đầu tư, khai thác, chuyển giao được đảo lộn trật tự.
Hình thức BOT, BTO, BT có các đặc điểm cơ bản: một bên ký kết phải là Nhà nước; lĩnh vực đầu tư là các công trình kết cấu hạ tầng như đường sá, cầu, cảng, sân bay, bệnh viện, nhà máy sản xuất, điện, nước…; bắt buộc đến thời hạn phải chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước.
Ưu điểm của hình thức này là thu hút vốn đầu tư vào những dự án kết cấu hạ tầng, đòi hỏi lượng vốn lớn, thu hồi vốn trong thời gian dài, làm giảm áp lực vốn cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, nước sở tại sau khi chuyển giao có được những công trình hoàn chỉnh, tạo điều kiện phát huy các nguồn lực khác để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hình thức BOT có nhược điểm là độ rủi ro cao, đặc biệt là rủi ro chính sách; nước chủ nhà khó tiếp nhận kinh nghiệm quản lý, công nghệ.
Đầu tư mua cổ phần hoặc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp
Đây là hình thức thể hiện kênh đầu tư Cross – border M & As. Khi thị trường chứng khoán phát triển, các kênh đầu tư gián tiếp (FPI) được khai thông, nhà đầu tư nước ngoài được phép mua cổ phần, mua lại các doanh nghiệp ở nước sở tại, nhiều nhà đầu tư rất ưa thích hình thức đầu tư này. Cross-border M & As là kênh đầu tư mà các chủ đầu tư tiến hành đầu tư thông qua việc mua lại và sáp nhập các doanh nghiệp hiện có ở nước ngoài hoặc mua cổ phần của các công ty cổ phần. Hình thức này chủ yếu là chuyển sở hữu của các doanh nghiệp đang tồn tại ở nước chủ nhà sang sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Về lâu dài, hình thức M & As sẽ thu hút được nguồn vốn từ bên ngoài do mở rộng qui mô hoạt động của doanh nghiệp. Kênh đầu tư này chủ yếu được thực hiện ở các nước phát triển, các nước mới công nghiệp hóa, đặc biệt là trong những lĩnh vực công nghệ cao và có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Luật Đầu tư 2005 của Việt Nam cũng đã thừa nhận và pháp lý hoá kênh đầu tư này ở Việt Nam. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này vẫn chưa phổ biến ở nước ta do đây là kênh đầu tư FDI mới, nhà đầu tư còn dè chừng. Hơn nữa, Nhà nước vẫn hạn chế về tỷ lệ cổ phần của người nước ngoài trong các công ty cổ phần trong nước.
Ở đây, về mặt khái niệm, có vấn đề ranh giới tỷ lệ cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua – ranh giới giúp phân định FDI với FPI. Khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán nước sở tại, họ tạo nên kênh đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI). Tuy nhiên, khi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu vượt quá giới hạn nào đó cho phép họ có quyền tham gia quản lý doanh nghiệp thì họ trở thành nhà đầu tư FDI. Luật pháp Hoa Kỳ và nhiều nước phát triển quy định tỷ lệ ranh giới này là 10%. Đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, tỷ lệ này được quy định là 30%.
Hình thức mua cổ phần hoặc mua lại toàn bộ doanh nghiệp có ưu điểm cơ bản là để thu hút vốn và có thể thu hút vốn nhanh, giúp phục hồi hoạt động của những doanh nghiệp bên bờ vực phá sản. Nhược điểm cơ bản là dễ gây tác động đến sự ổn định của thị trường tài chính. Về phía nhà đầu tư, đây là hình thức giúp họ đa dạng hoá hoạt động đầu tư tài chính, san sẻ rủi ro nhưng cũng là hình thức đòi hỏi thủ tục pháp lý rắc rối hơn và thường bị ràng buộc, hạn chế từ phía nước chủ nhà.