LA35.006_Đời sống văn hoá của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
1. Lý do chọn đề tài
1.1.Việt Nam có 3/4 diện tích là biển và đại dương, đường bờ biển dài 3260km kéo từ Móng Cái cho tới Hà Tiên, bao bọc lấy phía Đông, Nam và một phần phía Tây của Tổ quốc, được xếp là quốc gia có đường bờ biển dài thứ 27 trong tổng số 165 quốc gia có biển trên thế giới. Nếu tính vùng biển bao gồm cả nội thuỷ, lãnh hải thì diện tích vùng biển của Việt Nam là 226.000 km2 và vùng đặc quyền kinh tế biển là 1.000.000 km2 (theo Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 và 1994). Từ xa xưa, con người Việt Nam đã có sự gắn kết chặt chẽ với biển, nhóm cư dân cư trú ở khu vực ven biển trong quá trình sinh tồn, để thích nghi được với môi trường biển, khai thác, đánh bắt nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có của biển đảm bảo cho nhu cầu mưu sinh, họ đã tích luỹ được các tri thức, kinh nghiệm, hiểu biết về biển, về nguồn tài nguyên sinh vật biển, từ đó hình thành nên những nét văn hoá đặc trưng so với các vùng, miền khác.
1.2. Bước vào giai đoạn CNH, HĐH đất nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về phát triển kinh tế vùng biển, ven biển và hải đảo. Đặc biệt, có Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X (ngày 9-2-2007) đã ban hành “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, đánh một dấu mốc quan trọng, thể hiện tầm nhìn mới của Đảng và Nhà nước về vai trò kinh tế biển đối với sự nghiệp CNH, HĐH hiện nay. Trước sự tác động mạnh mẽ của sự nghiệp CNH, HĐH và Chiến lược biển, đời sống kinh tế của cư dân vùng ven biển nước ta tăng trưởng nhanh, kéo theo những biến đổi về đời sống văn hoá, dẫn đến đời sống văn hoá của cư dân vùng ven biển đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Vấn đề bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống, chọn lọc tiếp thu văn hoá thời đại, hình thành nên những giá trị văn hoá vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần đưa văn hoá Việt Nam thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đang được đặt ra đối với vùng ven biển của cả nước nói chung và ven biển của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.
1.3. Hà Tĩnh là tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ, có địa hình phong phú, bao gồm miền núi – trung du, đồng bằng và ven biển. Sự phong phú về địa lý, địa hình, tự nhiên, đã tạo cho địa bàn cư trú của cư dân Hà Tĩnh rất đa dạng: có nhóm cư dân cư trú ở vùng núi như một số xã của huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh; có nhóm cư dân cư trú ở vùng ven sông (như sông Lam, sông La của huyện Đức Thọ, sông Ngàn Phố của huyện Hương Sơn); có nhóm cư dân cư trú ở vùng đồng bằng màu mỡ như cư dân ở các huyện: Can Lộc, Hồng Lĩnh, Đức Thọ,…Hà Tĩnh còn có đường bờ biển dài (137km), với 4 cửa biển là cửa Hội, cửa Sót, cửa Nhượng và cửa Khẩu. Do đó, cư dân cư trú ở vùng ven biển Hà Tĩnh trải dài từ đầu đến cuối tỉnh (dọc theo đường bờ biển) qua năm huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Nhóm cư dân ven biển Hà Tĩnh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, có kết hợp với một số nghề phụ khác.
Xem thêm: Văn hóa là gi? Khái niệm về văn hóa
Do tụ cư ở các vùng địa lý, địa hình khác nhau, tạo ra sự đa dạng về đời sống văn hoá của cư dân Hà Tĩnh. Trong sự phong phú, đa dạng đó có dấu ấn văn hoá của nhóm cư dân định cư ở vùng ven biển, vì sống trong môi trường biển, nhóm cư dân này đã tạo ra những bản sắc văn hoá riêng. Có thể nhận diện nét khác biệt về đời sống văn hoá của nhóm cư dân này so với các vùng khác trong tỉnh qua các yếu tố: tín ngưỡng, lễ hội; phong tục, tập quán,… Hiện nay, dưới tác động của CNH, HĐH, đặc biệt là “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Đảng và Nhà nước, vùng ven biển Hà Tĩnh đang có nhiều thay đổi. Từ những làng quê nghèo, sống nhờ vào nguồn cá tự nhiên kiếm được ở biển, đời sống kinh tế-xã hội rất khó khăn đã trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực Bắc Trung bộ, với những khu kinh tế đặc thù, chuyên biệt, mang đậm dấu ấn của thời kỳ CNH, HĐH. Đời sống vật chất của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh thời kỳ CNH, HĐH được nâng lên một cách nhanh chóng, kéo theo đời sống văn hoá có những biến đổi sâu sắc. Sự biến đổi về đời sống văn hoá của cư dân ven biển Hà Tĩnh được thể hiện với những xu hướng khác nhau, dẫn đến tính thuần nhất và nét đặc trưng độc đáo về văn hoá của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh trước thời kỳ CNH, HĐH có xu thế bị phá vỡ, nguy cơ đánh mất bản sắc, đánh mất truyền thống, ảnh hưởng văn hoá ngoại lai, sự xâm nhập của văn hoá phẩm độc hại, hiện tượng chạy đua theo trào lưu văn hoá mới, bỏ quên, xa rời văn hoá truyền thống, chạy theo văn hoá thực dụng mà xa rời các yếu tố văn hoá nhân bản, tiếp nhận các luồng văn hoá mới chưa được gạn lọc, khơi trong,… đang có chiều hướng gia tăng ở vùng ven biển Hà Tĩnh trong thời kỳ CNH, HĐH.
Với những lý do trên, việc nghiên cứu Đời sống văn hoá của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ CNH, HĐH, nhận diện xu hướng vận động biến đổi là vấn đề trở nên cấp thiết đối với giới nghiên cứu văn hoá ở nước ta hiện nay.Tuy vậy, cho đến nay chưa có công trình chuyên sâu nào đề cập một cách đầy đủ, sâu sắc và hệ thống về vấn đề này, do đó NCS chọn đề tài “Đời sống văn hoá của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” để làm luận án tiến sĩ, chuyên ngành Văn hoá học