LA20.107_Nghiên cứu nồng độ Lipoprotein-Associated Phospholipase A2 huyết thanh ở bệnh nhân nhồi máu não giai đoạn cấp
1. Tính cấp thiết của đề tài
Tai biến mạch máu não (TBMMN) hay đột quỵ não luôn là vấn đề thời sự của ngành y tế ở tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, vì là bệnh lý thần kinh có tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong và tàn tật rất cao, ảnh hưởng không chỉ về kinh tế mà còn tác động rất lớn đến tâm lý người bệnh, gia đình và toàn xã hội. Tại Hoa Kỳ, TBMMN là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh tim mạch và ung thư, đồng thời là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở người trưởng thành [15], [61]. Về phân loại lâm sàng, nhồi máu não là một trong hai thể chính của TBMMN, chiếm đến 87% so với thể chảy máu não, nguyên nhân chủ yếu là do xơ vữa động mạch gây huyết khối tắc nghẽn dòng chảy mạch máu [9]. Ngày nay, nhiều yếu tố nguy cơ đối với đột quỵ não đã được y học nghiên cứu và chứng thực, bên cạnh các yếu tố nguy cơ truyền thống kinh điển là những bằng chứng về sự hiện diện gia tăng các chất chỉ điểm sinh học trong máu ở giai đoạn cấp của đột quỵ não [35]. Một chỉ điểm sinh học đặc hiệu được phát hiện trong máu ở giai đoạn sớm sẽ giúp ích cho chẩn đoán, đặc biệt trong những trường hợp cấp cứu nghi ngờ nhồi máu não cấp và khi liệu pháp tiêu sợi huyết được xem xét một cách cẩn trọng.
Các chất chỉ điểm sinh học viêm hiện nay như protein phản ứng C độ nhạy cao (hs-CRP) và phospholipase A2 liên kết với lipoprotein huyết thanh (Lp-PLA2) đã được đánh giá là giúp dự báo mức độ xơ vữa động mạch – yếu tố nguy cơ thực sự đối với sự phát triển đột quỵ não [40], [52]. Protein phản ứng C độ nhạy cao được biết đến như là chất chỉ điểm cho tình trạng viêm hệ thống, trong khi đó Lipoprotein-Associated Phospholipase A2 có vai trò là chất chỉ điểm viêm đặc hiệu cho mạch máu, độ biến thiên sinh học thấp, tham gia trực tiếp vào sự hình thành mảng xơ vữa động mạch. Lp-PLA2 là một enzym được tạo ra bởi các tế bào đơn nhân, đại thực bào, tế bào lympho T, dưỡng bào và tế bào gan; ngoài ra Lp-PLA2 còn được tạo ra từ các tế bào bọt trong nội mạc mạch vữa xơ và phóng thích từ mảng vữa xơ động mạch. Lp-PLA2 liên kết chủ yếu với các lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp trong máu (LDL-C). Lp-PLA2 thủy phân các phospholipid đã oxy hóa của LDL thành hai chất trung gian hóa học là axit béo tự do được oxy hóa và lysophosphatidylcholin (phân tử có hoạt tính sinh học sinh xơ vữa mạnh). Lp-PLA2 hoạt động như một chỉ điểm sinh học viêm đặc hiệu cho mạch máu xơ vữa, đồng thời có vai trò trực tiếp trong việc gây vỡ mảng vữa. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có mối liên quan giữa tăng nồng độ Lp-PLA2 huyết thanh và nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch cũng như các biến cố mạch não trong tương lai [91], [106], [109], [110].
Trong điều kiện nước ta hiện nay, ở nhiều cơ sở y tế khi trang bị máy cộng hưởng từ chưa được phổ biến thì chụp cắt lớp vi tính vẫn là phương tiện chẩn đoán hình ảnh đầu tay và có một giá trị nhất định. Kỹ thuật này có độ nhạy thấp trong giai đoạn sớm của nhồi máu não và đòi hỏi một đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa có kinh nghiệm. Vì thế, việc kết hợp xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học trong giai đoạn cấp của nhồi máu não là hoàn toàn cần thiết nhằm góp phần cho chẩn đoán và tiên lượng [34], [35], [80]. Tại Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu về chất chỉ điểm sinh học Lp-PLA2 ở
bệnh nhân nhồi máu não. Vì vậy, nhằm góp phần bước đầu tìm hiểu vai trò nồng độ Lp-PLA2 huyết thanh đối với bệnh lý nhồi máu não, chúng tôi tiến hành đề tài: “Nghiên cứu nồng độ ipoprotein-Associated Phospholipase A2 huyết thanh ở bệnh nhân nhồi máu não giai đoạn cấp”.
2. Mục tiêu nghiên cứu
2.1. Xác định nồng độ Lp-PLA2 huyết thanh ở bệnh nhân nhồi máu não cấp trong 7 ngày đầu sau khởi phát và vai trò Lp-PLA2 trong tiên lượng nguy cơ nhồi máu não.
2.2. Khảo sát mối liên quan giữa nồng độ Lp-PLA2 huyết thanh với tình trạng lâm sàng, bề dày lớp nội trung mạc của động mạch cảnh qua siêu âm và mức độ tổn thương mô não trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính.
2.3. Bước đầu xây dựng mô hình dự báo nhồi máu não dựa trên sự kết hợp các yếu tố nguy cơ truyền thống với các chất chỉ điểm sinh học viêm