LA46.002_Mỹ thuật Việt Nam – những biến đổi trong thời đại công nghệ thông tin
1. Lý do chọn đề tài
Những phát minh khoa học và những bước phát triển của công nghệ trên thế giới đã làm thay đổi và ngày càng thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ cuộc sống của con người. Khoa học và công nghệ không những tác động vào sự phát triển của cuộc sống xã hội mà còn tác động nhiều đến nghệ thuật nói chung và Mỹ thuật nói riêng. Trong quá trình sáng tác của các bậc thày thế giới Khoa học và Công nghệ đã đóng một vai trò rất quan trọng giúp cho các bậc thày thoả mãn những ý tưởng mà họ mong muốn. Những cải tiến về kỹ thuật vật liệu, để hoạ sỹ có thể thuận tiện trong quá trình thể hiện bức vẽ. Từ nền gỗ đến mặt toan, từ tempera đến sơn dầu để tạo nên hiệu quả của da thịt hay diễn tả ánh sáng lung linh của thiên nhiên thì không thể không nói đến vai trò của khoa học và công nghệ đem lại. Vào giữa những năm 40 của thế kỷ XX đã mở đầu cho các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại.
Thành tựu của khoa học và công nghệ đã tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nó làm thay đổi nhanh chóng nhiều mặt của đời sống xã hội trong đó có nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực Mỹ thuật. Một trong những đặc điểm của nghệ thuật từ giữa thế kỷ XX đến nay là sự ứng dụng khoa học và công nghệ một cách mạnh mẽ trong sáng tác nghệ thuật nói chung và Mỹ thuật nói riêng. Các tác phẩm Mỹ thuật như hội hoạ không còn giới hạn trong hai chiều của khung tranh, chúng cũng chuyển từ những chất liệu thông thường như sơn dầu, thuốc nước… sang những vật liệu tưởng như không liên quan gì đến hội hoạ như hình ảnh động, máy tính, động cơ, âm thanh… Đối với điêu khắc cũng có nhiều thay đổi, ngày nay điêu khắc không còn chỉ là chiếm dụng không gian của thực tại mà chúng đã chiếm dụng một không gian ảo nơi đó người ta có thể cảm nhận điêu khắc theo một cách khác, không còn giống như trước đây là tác phẩm điêu khắc phải sờ mó và chạm vào chúng
được. Chúng có thể vẫn đáp ứng những yêu cầu của một tác phẩm điêu khắc, việc thể hiện tác phẩm cũng được thể hiện trên máy tính không dùng đến những dụng cụ điêu khắc truyền thống và vẫn đáp ứng ở sự cảm nhận nhiều chiều, nhiều diện (của một tác phẩm điêu khắc) chỉ bằng một màn hình và bằng công nghệ in 3D. Đường biên của Mỹ thuật mở rộng, có sự dung hợp giữa nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, kỹ thuật ấn loát cho tới công nghệ thông tin hiện đại như kỹ thuật số, Internet… Việc áp dụng những tiến bộ của CNTT như một chất xúc tác đã kích thích các nghệ sỹ có nhiều bước biến đổi trong phương pháp sáng tác, cũng như thưởng thức tác phẩm, đồng thời nó cũng có nhiều tác động đến công chúng thưởng thức nghệ thuật.
Trong Mỹ thuật (không tính đến Mỹ thuật ứng dụng), với các ưu thế của khoa học và CNTT đã tạo điều kiện cho người nghệ sỹ có được những chất liệu và phương tiện biểu đạt để tạo nên những hình thức mới cho mình. Hơn nữa CNTT đã giúp cho người nghệ sỹ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để họ có được những hình thức chuyển tải những vấn đề xã hội trong cuộc sống đương đại. Từ đó dẫn đến sự ra đời những loại hình nghệ thuật chưa từng có trước kia như Video Art, Newmedia Art, Digital Art, Sound Art và Web Art… Cũng từ đây khái niệm: Nghệ thuật thị giác đã được các học giả nghiên cứu và khẳng định vị trí của nó trong sự phát triển của lịch sử Mỹ thuật. Từ khi có chính sách “Đổi mới” (Đại hội Đảng VI-1986), mở cửa của nhà nước, bộ mặt xã hội thay đổi, kinh tế, văn hóa có một diện mạo mới. Đặc biệt là CNTT và truyền thông đã phát triển nhanh chóng được đánh giá thuộc vào những top đầu của thế giới. Việt Nam sớm trở thành một nước có dân số sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin truyền thông với tỷ lệ cao trên quy mô dân số. Trong Mỹ thuật những loại hình nghệ thuật mới đã được du nhập vào Việt Nam trong khoảng hơn mười lăm năm trở lại đây và sớm được các nghệ sĩ tiếp nhận, đặc biệt là các nghệ sỹ trẻ. Từ chỗ xem đó là thứ sáng tạo có vẻ “thời thượng” mang tính thử nghiệm kỹ thuật, thì nay đã hình thành những nghệ sĩ chuyên sáng tác các hình thức nghệ thuật mới này với kỹ thuật ngày một công phu, phức tạp (như kết hợp giữa âm thanh, ánh sáng và nhiều yếu tố khoa học công nghệ khác), đạt hiệu quả thị giác cao. Việc ứng dụng
thành tựu công nghệ thông tin ngày càng phổ biến trong sáng tác Mỹ thuật.
Tuy nhiên, về phương diện nghiên cứu lý thuyết bức tranh toàn cảnh về Mỹ thuật Việt Nam, những biến đổi trong thời đại công nghệ thông tin, cũng như các lý thuyết vận dụng trong nghiên cứu các loại hình nghệ thuật đương đại vẫn chưa được giới thiệu, nghiên cứu đầy đủ và toàn diện. Câu hỏi đặt ra là: CNTT và Mỹ thuật Việt Nam có mối quan hệ như thế nào trong sáng tác mỹ thuật gần đây (đương đại)? Hiệu quả, tác động của nó như thế nào ? Đóng góp của nó như thế nào đối với xã hội ? Xuất phát từ Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và nhà nước là xây dựng một nền Mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay rất nhiều sáng tác Mỹ thuật, đặc biệt của lớp nghệ sỹ trẻ, đã có nhiều sự biến đổi trong quá trình sáng tác nhờ vào những phương tiện CNTT đem lại. Trong sự phát triển của văn hoá xã hội, các hoạt động nghệ thuật khác cũng xuất hiện rất nhiều các sự kiện có ứng dụng nhiều sản phẩm CNTT, các phương pháp sáng tác của nghệ sỹ thay đổi, nhiều loại hình nghệ thuật được phối hợp với nhau tạo nên các hiệu quả về thị giác, thính giác… từ đó cũng tạo nên các cách thưởng thức nghệ thuật mới đối với người dân. Hơn
nữa NCS đã có thời gian được đào tạo, và trải nghiệm qua những thực hành và giảng dạy về loại hình nghệ thuật mới có ứng dụng CNTT. Từ lý do trên, luận án tiến hành nghiên cứu đề tài Mỹ thuật Việt Nam – những biến đổi trong thời đại công nghệ thông tin. Hy vọng thông qua đề tài này, với khả năng nghiên cứu của mình, NCS sẽ làm rõ sự biến đổi của Mỹ thuật trong thời đại CNTT, đặc biệt là trong Mỹ thuật Việt Nam. Với sự phát triển của CNTT trong xã hội cùng với những biến đổi của Mỹ thuật Việt Nam mà CNTT đem lại, hy vọng Mỹ thuật Việt Nam sẽ khẳng định được những bước sáng tạo mới, tăng cường khả năng giao lưu hợp tác giữa các nghệ sĩ của Việt Nam và quốc tế, nhất là trong bối cảnh mở rộng hội nhập quốc tế và xu thế “toàn cầu hóa” hiện nay