Xây dựng báo cáo kế toán quản trị cho hệ thống siêu thị MEDICARE
1. TÍNH THIẾT THỰC CỦA LUẬN VĂN
Năm 2006, sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt nam được xếp đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Ấn Độ và Nga, đứng trên cả Trung Quốc – một nước đứng đầu thế giới về số dân, về tăng trưởng kinh tế (cả về số năm tăng liên tục, cả về tốc độ tăng cao). Đây là một tín hiệu đáng mừng vì là đó chính là sự đánh giá của nước ngoài. Sự đánh giá này có ý nghĩa thuyết phục đối với các nhà đầu tư, thương mại, du lịch quốc tế. Sự đánh giá, xếp hạng này dựa trên nhiều tiêu chí. Dân số Việt Nam hiện đã lên đến trên 83 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, hằng năm hiện vẫn còn tăng thêm trên 1 triệu người, theo mục tiêu đến năm 2010 nếu thực hiện được cũng đã lên đến 88,4 triệu người – một quy mô mơ tưởng của nhiều nhà đầu tư mà không phải nước nào cũng có được! Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện cũng chỉ kém Trung Quốc về số năm tăng liên tục và tốc độ tăng cao. Tăng trưởng xuất khẩu cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP (đạt 131%), thuộc loại cao trên thế giới. Đặc biệt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá cao (bình quân 5 năm tăng 16,9%/năm), nếu loại trừ yếu tố tăng giá (tương ứng tăng 5,1%/năm) vẫn còn tăng trên 11,2%/năm – một tốc độ tăng cao gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cao do nhiều yếu tố dân số tăng, mức tiêu dùng bình quân đầu người tăng, tỷ lệ tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường tăng (từ 68,5% năm 2000 lên 82,1% năm 2005). Khi đời sống của người dân đã bắt đầu khá hơn và có tích lũy, thì xu hướng tiêu dùng của người dân đã khác trước tiêu dùng mạnh tay hơn, ít đắn đo hơn, có lựa chọn hơn; một bộ phận dân cư có mức thu nhập cao đã chuyển đổi nhanh cơ cấu tiêu
dùng cả về mặt hàng (mặt hàng công nghiệp, dịch vụ nhiều hơn mặt hàng nông, lâm nghiệp – thủy sản, mặt hàng cao cấp nhiều hơn mặt hàng thiết yếu, sản phẩm dịch vụ nhiều hơn hàng hóa vật chất); cả về thị trường (siêu thị, trung tâm thương mại nhiều hơn là chợ, vỉa hè, hàng hiệu nhiều hơn là hàng chợ)…
Tuy nhiên bên cạnh đó chúng ta cũng còn nhiều cái lo sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ được các đại gia quốc tế thâm nhập mạnh. Trong khi đó, ngành bán lẻ của Việt Nam tuy không phải là còn quá non trẻ, nhưng lại chưa trưởng thành, hiện tại lại “chưa có sự sẵn sàng” của cả nhà quản lý và cả người bán lẻ trong nước trước các đại gia hùng mạnh có quy mô toàn cầu. Dung lượng thị trường bán lẻ của Việt Nam có nhiều tiềm năng và ngày một tăng lên, sự thâm nhập của các đại gia quốc tế sẽ rất mạnh, nhưng nếu không có sự sẵn sàng ở trong nước thì thị phần sẽ không tăng lên mà thậm chí còn bị thu hẹp ngay trên sân nhà!
Ngày nay không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của kế toán quản trị trong quản lý hoạt động của các tổ chức nhất là trong một môi trường phức tạp và luôn luôn thay đổi như hiện nay.Nó đã có những bước tiến rất xa trong những năm cuối thế kỷ 20 và trở thành một bộ phận không thể tách rời của quản trị công ty. Để có thể hoàn thành được mục tiêu gia tăng lợi nhuận trong cơ chế thị trường với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt như trên, các nhà quản trị doanh nghiệp muốn hoàn thành nhiệm vụ của mình thì phải luôn đặt ra các mục tiêu, vạch ra và lựa chọn các phương cách; tổ chức thực hiện, chỉ huy và kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của các bộ phận, cá nhân trong công ty của mình để đạt được những mục tiêu đã định đó. Trong quá trình đó, nhà quản trị công ty rất cần nhiều loại thông tin mà những thông tin này không thể tìm thấy trong các báo cáo của kế toán tài chính mà phải có sự trợ giúp của kế toán quản trị để thu thập được những thông tin cho việc hoạch định, kiểm soát và ra quyết định. Báo cáo kế toán quản trị chính là phương tiện để cung cấp những thông tin đó cho các nhà quản trị có trách nhiệm trong công ty
giúp cho việc ra các quyết định.
Là một doanh nghiệp trong ngành kinh doanh bán lẻ bao gồm một hệ thống các siêu thị chuyên doanh trong lĩnh vực dược phẩm và mỹ phẩm, Công ty Medicare cũng phải đối mặt với những thử thách trong quá trình hội nhập quốc tế. Để có thể tồn tại và đứng vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đó, bắt buộc công ty phải vận dụng kế toán quản trị vào công tác quản lý hoạt động của mình.
Xuất phát từ ý nghĩa trên, bài luận văn này xin phép được trình bày về “Xây dựng báo cáo kế toán quản trị cho hệ thống siêu thị MEDICARE”.
2. MỤC ĐÍCH CỦA LUẬN VĂN
Luận văn được dựa trên nền tảng kiến thức về kế toán quản trị để đi sâu vào tìm hiểu thực trạng của hệ thống báo cáo kế toán quản trị của hệ thống siêu thị Medicare nhằm:
– Đánh giá được thực trạng của hệ thống kế toán quản trị nói chung và hệ thống báo cáo kế toán quản trị nói riêng.
– Trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp để xây dựng báo cáo kế toán quản trị của hệ thống siêu thị Medicare nhằm giúp Công ty có thể đạt được mục tiêu chung của mình.
3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN VĂN
Do nội dung của kế toán quản trị rất đa dạng và phong phú nên phạm vi nghiên cứu của luận văn chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu các báo cáo kế toán quản trị của một hệ thống siêu thị trực thuộc một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ cụ thể là Công ty Medicare.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU LUẬN VĂN
Nhằm có thể đạt được những yêu cầu mà đề tài đã đặt ra, trong quá trình thực hiện luận văn các phương pháp thu thập, tiếp cận hệ thống, thống kê, chọn lọc, tổng hợp thông tin … từ hoạt động thực tiễn của Công ty Medicare và các nguồn dữ liệu khác được sử dụng bên cạnh các phương pháp chủ đạo là duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
5. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
Với mục đích và phạm vi nghiên cứu nói trên, bài luận văn này bao gồm 82 trang và có kèm theo các phụ lục được kết cấu gồm phần mở đầu, phần kết luận và phần nội dung chính với những chương sau
– Chương 1: Cơ sở lý luận về kế toán quản trị và báo cáo kế toán quản trị.
– Chương 2: Thực trạng vể kế toán và các báo cáo kế toán quản trị tại hệ thống siêu thị Medicare.
– Chương 3: Xây dựng hệ thống các báo cáo kế toán quản trị cho hệ thống siêu thị Medicare.