LA02.183_Hoàn thiện các điều kiện để thực hiện chính sách tiền tệ theo khuôn khổ lạm phát mục tiêu tại Việt Nam
3. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của luận án được cụ thể hóa qua các câu hỏi nghiên cứu sau:
Một là: Các điều kiện cơ bản nào cần được thực hiện để có thể thực thi chính sách lạm phát mục tiêu?
Hai là: Điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam đã được tiến hành như thế nào? Kết quả ra sao, với những thành tựu và hạn chế như thế nào?
Ba là: Việc áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu là có phù hợp đối với trường hợp của Việt Nam hay không?
Bốn là: cần có những điều kiện gì để có thế áp dụng khuôn khổ chính sách tiền tệ này cho Việt Nam hiện nay? Trong những điều kiện cần thiết để áp dụng khuôn khổ chính sách lạm phát mục tiêu ở Việt Nam, có những điều kiện nào đã được thiết lập, những điều kiện nào chưa được thiết lập?
Năm là: Giải pháp nào để có thể thiết lập đầy đủ các điều kiện để thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu ở Việt Nam?
Xem thêm: Khái niệm chính sách tiền tệ
Thông qua 5 câu hỏi nghiên cứu, tác giả đã xác định được mục tiêu nghiên cứu của Luận án như sau:
– Hệ thống hóa cơ sở luận về chính sách tiền tệ (khái niệm, hệ thống mục tiêu, các kênh truyền tải chính sách tiền tệ, các khuôn khổ chính sách tiền tệ trong lịch sử…) và chính sách lạm phát mục tiêu (khái niệm, đặc điểm, ưu điểm, hạn chế, các trụ cột cơ bản, các phiên bản của chính sách lạm phát mục tiêu)
– Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đưa ra được các điều kiện/nhóm điều kiện và các chỉ tiêu đo lường áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu;
– Xem xét, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để khái quát hóa được mức độ đáp ứng các điều kiện của các nước trên thế giới trong quá trình áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu để rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam;
– Nghiên cứu, phân tích, đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam giai đoạn 2005 đến 2014 để rút ra được những ưu điểm, nhược điểm và các vấn đề đặt ra đối với chính sách tiền tệ Việt Nam từ nay đến 2020;
– Đánh giá điều kiện và mức độ đáp ứng điều kiện của Việt Nam trong việc áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu;
– Đề xuất hệ thống các giải pháp để hoàn thiện các điều kiện áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
+ Khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt Nam;
+ Các điều kiện/nhóm điều kiện áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu và hệ thống chỉ tiêu đo lường;
+ Khuôn khổ điều hành chính sách lạm phát mục tiêu ở các nước trên thế giới và kinh nghiệm hoàn thiện các điều kiện để rút ra bài học Việt Nam;
+ Khả năng áp dụng khuôn khổ điều hành chính sách lạm phát mục tiêu ở Việt Nam;
+ Hệ thống các cải cách cần thiết để hoàn thiện các điều kiện áp dụng hiệu quả khuôn khổ điều hành CSLPMT ở Việt Nam.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Xoay quanh chính sách lạm phát mục tiêu có rất nhiều vấn đề đã được nghiên cứu và bàn luận, song luận án chỉ tập trung đi sâu vào vấn đề về các điều kiện áp dụng khuôn khổ này, đặc biệt là đối với một nền kinh tế đang phát triển.
Tương tự như vậy, phần phân tích về thực thi chính sách tiền tệ ở Việt Nam, luận án cũng tiến hành phân tích sâu và tập trung vào các nội dung có liên quan đến thiết lập các điều kiện để thực thi chính sách lạm phát mục tiêu.
Thời gian nghiên cứu từ năm 2005 đến năm 2014 và khả năng áp dụng đến năm 2020.