LA02.147_Tổ chức triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam
3. Mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu của đề tài
3.1. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu tổng quát của luận án là đề xuất những giải pháp và kiến nghị nhằm tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam.
Các mục tiêu nghiên cứu cụ thể bao gồm:
– Hệ thống hóa và đóng góp bổ sung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn vềBHXH tự nguyện và tổ chức triển khai chính sách BHXH tự nguyện.
– Đánh giá thực trạng tổ chức triển khai chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam trong thời gian qua, từ đó tìm ra những mặt còn hạn chế, bất cập và nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến quá trình tổ chức triển khai.
– Đề xuất những giải pháp và kiến nghị nhằm tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam.
3.2. Câu hỏi nghiên cứu
Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu cụ thể nêu trên, nội dung của luận án phải trả lời được các câu hỏi nghiên cứu sau đây:
(1) Vì sao phải tổ chức triển khai BHXH tự nguyện ở Việt Nam?
(2) Chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam hiện nay còn những điểm hạn chế gì ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai BHXH tự nguyện? Nguyên nhân của những hạn chế?
(3) Tổ chức triển khai chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam hiện nay còn những điểm bất cập gì chưa phù hợp với thực tế ? Nguyên nhân còn bất cập?
(4) Để tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam thì cần những giải pháp nào?
6. Đóng góp mới của luận án
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
(1) Luận án đã đưa ra các luận giải về tổ chức triển khai bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện như: (i) Tổ chức bộ máy triển khai; (ii) Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; (iii) Quy trình, thủ tục đăng ký tham gia và giải quyết chế độ; (iv) Quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng; (v) Tổ chức thu – chi và đầu tư tăng trưởng quỹ; (vi) Thanh tra, kiểm tra và giám sát.
(2) Luận án đã thảo luận và phân tích các chỉ tiêu để đánh giá kết quả triển khai BHXH tự nguyện. Ngoài 3 chỉ tiêu mà Việt Nam đang áp dụng như mức độ bao phủ, mức độ tác động, mức độ bền vững của hệ thống, luận án đã xây dựng một số chỉ tiêu khác nhằm đánh giá một cách cụ thể và toàn diện kết quả triển khai BHXH tự nguyện như: (i) Mức độ bao phủ của BHXH tự nguyện theo nhóm; (ii) Mức độ bao phủ của BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động; (iii) Tốc độ phát triển số người tham gia; (iv) Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch số người tham gia; (v) Tốc độ phát triển số thu; (vi) Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch số thu.
Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu
(1) Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra có 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu đã làm cho chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam trong thời gian qua chưa phát triển, đó là:
Thứ nhất, chính sách BHXH tự nguyện: (i) Mức đóng quy định khá cao so với thu nhập; (ii) Phương thức đóng phí chưa linh hoạt, đa dạng; (iii) Do khống chế tuổi “trần” khi tham gia; (iv) Quy định về điều kiện hưởng các chế độ chưa đảm bảo sự công bằng giữa 2 loại hình BHXH bắt buộc và tự nguyện; (v) Quyền lợi được hưởng các chế độ chưa đảm bảo cho người tham gia; (vi) Chưa có chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia.
Thứ hai, tổ chức triển khai chính sách BHXH tự nguyện: (i) Tổ chức bộ máy triển khai còn nhiều bất cập; (ii) Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; (iii) Quy trình, thủ tục đăng ký tham gia và thụ hưởng còn nhiều phức tạp; (iv) Sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các ngành, các cấp chưa chặt chẽ.
Thứ ba, từ phía người lao động: (i) Người lao động có thu nhập thấp và không ổn định; (ii) Người lao động ít lo cho tương lai xa; (iii) Người tham gia BHXH tự nguyện là những lao động rất khó quản lý.
(2) Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, luận án đưa ra các giải pháp và kiến nghị nhằm tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện như: (i) Hoàn thiện cơ chế chính sách BHXH tự nguyện; (ii) Hoàn thiện bộ máy tổ chức; (iii) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; (iv) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp của các Bộ, ban ngành, đoàn thể các cấp; (v) Xây dựng chiến lược phát triển đối tượng tham gia; (vi) Nâng cao chất lượng dịch vụ; (vii) Mở rộng mạng lưới và đào tạo các đại lý bảo hiểm; (viii) Đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; (ix) Phát triển công tác nghiên cứu khoa học và mở rộng hợp tác quốc tế; (x) Nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ nhàn rỗi; (xi) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc chấp hành pháp luật; (xii) Phối hợp Chương trình BHXH tự nguyện với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác như Chương trình việc làm, Chương trình giảm nghèo…
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, luận án được chia thành 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Chương 2: Thực trạng tổ chức triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam.
Chương 3: Giải pháp hoàn thiện tổ chức triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Việt Nam.