ThS01.006_Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Đào Tạo Xuất Phát Từ Các Đơn Vị Trong Ngành Điện Trực Thuộc Tổng Công Ty Điện Lực Việt Nam
1 Cơ sở của việc chọn đề tài
Đề tài Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo xuất phát từ các đơn vị trong ngành điện trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam¬ được cân nhắc nghiên cứu trên các cơ sở: Thứ nhất, xuất phát từ yêu của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển nguồn nhân lực của EVN đến 2020: Phát triển khối các trường chuyên ngành điện lực, phấn đấu để xây dựng một số trường đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bố trí liên thông giữa các bậc học: Cao đẳng, Trung học và Công nhân; xây dựng chương trình chuẩn thống nhất trong ngành điện về đào tạo các lĩnh vực chuyên sâu…
(1) Phấn đấu đạt tỷ lệ 100% cán bộ công nhân viên được đào tạo nghề và 30% có trình độ đại học và trên đại học .
(2) Có mối quan hệ giữa đào tạo mới & bồi dưỡng, bồi huấn nâng bậc (đào tạo lại) và trong lĩnh vực này thì nhà trường không thể độc quyền, các Công ty Điện lực có thể tự tổ chức bồi huấn nâng bậc cho số nhân viên của mình mà không nhất thiết gửi nhà trường thực hiện.
(3) Yêu cầu của việc cải tiến không ngừng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 hiện đang áp dụng ở Trường Trung học Điện 2.
(4) Yêu cầu giải quyết vấn đề năng suất – chất lượng – hiệu quả trong tình hình mới của EVN là định hướng xây dựng thành Tập đoàn kinh tế mạnh đến năm 2020.
(5) Xuất phát từ yêu cầu của xã hội, đổi mới phương pháp đào tạo trong các loại hình trường chuyên nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ đào tạo tích cực và định hướng giáo dục và đào tạo trong nền kinh tế tri thức.
2 Câu hỏi & mục tiêu nghiên cứu của đề tài
Với yêu cầu khách quan của việc nghiên cứu, câu hỏi trọng tâm của đề tài là: Cảm nhận (hoặc sự hài lòng) của các đơn vị trong ngành điện trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam về chất lượng đào tạo của nhà trường?
Trong quá trình trả lời câu hỏi của đề tài, các vấn đề có liên quan sau đây cần được giải quyết:
Chất lượng và những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Về phía đơn vị sử dụng lao động và nhà trường, nhân tố nào trong bối cảnh hiện nay có thể được dùng để đo lường chất lượng đào tạo?
Làm thế nào xác lập được một cơ chế tự động, để đảm bảo có sự gắn kết giữa nhà trường với các đơn vị trong ngành điện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển nguồn nhân lực của EVN?
Phương thức rút ngắn khoảng chênh lệch về những kiến thức đã trang bị cho học sinh ở ghế nhà trường với thực tiễn công tác tại các đơn vị trong ngành điện.
Phần sau của đề tài bao gồm việc lựa chọn phương pháp nghiên cứu, lựa chọn khung lý thuyết làm cơ sở lý luận cho phân tích và phân tích ứng dụng cũng chỉ đáp ứng một mục tiêu duy nhất của đề tài là chúng ta đang cung cấp một dịch vụ đào tạo có chất lượng hoặc làm thế nào để có thể kiểm soát được chất lượng đào tạo của nhà trường tốt hơn.
3. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu chính của đề tài là sử dụng công cụ thống kê mô tả & kinh tế lượng để giải quyết vấn đề: Thống kê mô tả nhằm thu thập số liệu điều tra, tóm tắt và trình bày các đặc trưng khác nhau để phản ánh chất lượng đào tạo của nhà trường; Kinh tế lượng đo lường các mối quan hệ, tìm ra những nhân tố tác động tích cực đến chất lượng đào tạo từ phía đơn vị sử dụng lao động.
4. Giới hạn đề tài
Thời gian nghiên cứu của đề tài bắt đầu từ tháng 3/2005 đến tháng 9/2005.
Đối tượng, nội dung và phạm vi nghiên cứu của đề tài như sau:
– Đối tượng nghiên cứu của đề tài là nghiên cứu chất lượng học sinh khối Trung học phát dẫn điện và khối Công nhân quản lý vận hành trạm & đường dây đã tốt nghiệp và đang công tác tại các đơn vị trong ngành điện phía Nam trực thuộc EVN. Đơn vị trực tiếp sử dụng nguồn nhân lực này cũng chính là đơn vị được điều tra khảo sát, còn gọi là phía cầu hay khách hàng của Trường Trung học Điện 2.
– Nội dung chính của đề tài là phân tích cảm nhận (sự hài lòng) của các đơn vị trong ngành điện trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam về sản phẩm dịch vụ đào tạo của nhà trường, tìm ra những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và những gợi ý về chính sách.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là cung cầu đào tạo trong tổng thể nguồn nhân lực của EVN, chưa nghiên cứu trong sự gắn kết với thị trường lao động.
5. Những điểm mới của đề tài
Thu thập ý kiến phản hồi của người sử dụng (User Feedback Survey) đối với các nước phát triển là không có gì mới mẻ. ở chương 2 (đoạn 2.2, trang 28) chúng ta sẽ thấy những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài này. Đối với Việt Nam nhất là trong giai đoạn thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi hoạt động giáo dục và đào tạo cần có nhiều công trình nghiên cứu một cách toàn diện hơn với đầy đủ ý nghĩa của nó.
Điểm mới của đề tài ¬Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo xuất phát từ các đơn vị trong ngành điện trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam có thể nói một cách tổng quát là ở phương thức tiếp cận mục tiêu nghiên cứu trong mối quan hệ năng suất ¬ chất lượng ¬ hiệu quả nhằm nâng cao mức độ ứng dụng đề tài trong thực tiễn.
• Về phía nhà trường
Hoạt động đào tạo là nội dung không thể thiếu được trong hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN. Từ năm 1975 đến nay, các khối trường đã đóng góp nguồn nhân lực chủ yếu cho ngành năng lượng. Tuy nhiên vẫn chưa có đề tài đánh giá một cách đầy đủ về hoạt động này (đánh giá từ phía cầu) cũng như vận dụng các công cụ thống kê toán và kinh tế lượng để phân tích hiệu quả hoạt động đào tạo.
Tìm ra những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo xuất phát từ các đơn vị trực tiếp sử dụng lao động hay còn gọi là khách hàng (không điều tra khảo sát từ phía học sinh). Cơ cấu tổ chức của EVN với khối trường học và các Công ty trực thuộc cho phép thực hiện việc nghiên cứu này.
• Về phía EVN
Việc đánh giá công tác đào tạo trong tổng thể mối quan hệ năng suất – chất lượng – hiệu quả của EVN là một điểm mới nữa của đề tài bởi lẽ chi phí đào tạo cũng như chi phí tiền lương của việc sử dụng số lao động này được kết toán vào giá thành sản xuất điện của EVN và trong dài hạn là lợi ích và chi phí của các Công ty.
Nghiên cứu hoạt động đào tạo trong tổng thể chiến lược phát triển nguồn nhân lực của EVN (Định hướng xây dựng thành Tập đoàn kinh tế mạnh đến năm 2020).