ThS33.052_Yếu tố kỳ ảo trong sáng tác võ thị hảo (qua tiểu thuyết giàn thiêu và tập truyện ngắn những truyện không nên đọc lúc nửa đêm)
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Sau 1975, đặc biệt là sau 1987, đời sống văn học Việt Nam có nhiều thay đổi. Sự chuyển tiếp từ thời chiến sang thời bình với những quy luật bình thường của nó, ảnh hưởng của công cuộc đổi mới tư duy mà Đảng khởi xướng, những vấn đề bức thiết cộm lên trong lịch sử dân tộc thời hậu chiến và một độ lùi thời gian tương đối thích hợp… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thay đổi quan trọng của văn học. Cùng với sự nghiệp đổi mới của Đảng, các phương diện của đời sống văn học như tác giả, tác phẩm, các hoạt động sáng tác, lí luận, phê bình… đều có sự chuyển biến tích cực.
Trong bức tranh chung ấy, chúng ta rất dễ nhận ra sự khởi sắc của thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đã nhận ra xu hướng vận động mới – xu hướng của những tìm tòi sáng tạo, của những lối viết hoàn toàn mới mẻ. Và hoà vào dòng chảy ấy, ta thấy xuất hiện một nữ văn sỹ có cá tính sáng tạo độc đáo – nhà văn Võ Thị Hảo.
Cái tên Võ Thị Hảo đã từng gây ấn tượng mạnh trên văn đàn những năm 90 của thập kỷ trước bởi những truyện ngắn Người sót lại của rừng cười, Biển cứu rỗi, Vườn yêu… và mấy năm gần đây, chị lại làm độc giả sửng sốt bằng cuốn dã sử đậm chất “liêu trai” với cái tên mang cảm giác mạnh Giàn thiêu (2005), cùng với đó là tập truyện ngắn Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm (2005) cũng khiến không ít người kinh ngạc. Đây là 2 tác phẩm đạt giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội.
1.2. Cùng với những tên tuổi như Nguyễn Bình Phương, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh…, Võ Thị Hảo là nhà văn góp phần tạo ra xu hướng cách tân trong nền văn xuôi Việt Nam đương đại. Các nhà văn này đã mang vào văn học hơi thở của cuộc sống và con người hiện đại. Để làm được điều đó, trước hết họ phải tự làm mới chính mình. Cùng với một quan niệm mới mẻ về hiện thực là một văn phong táo bạo, những sáng tác đậm chất kì ảo xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống văn học hiện nay. Yếu tố kì ảo cũng chính là một trong những gam màu chủ đạo làm nên bức tranh đầy mê hoặc và lôi cuốn trong những sáng tác của nhà văn Võ Thị Hảo.
1.3. Kì ảo là một trong những thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu và độc đáo của kho tàng văn xuôi thế giới. Nó trở thành một dòng chảy liên tục trong tiến trình của lịch sử văn học nhân loại từ thời cổ đại, qua Trung đại đến cận đại và hiện đại. Bên cạnh đó ngoài vai trò tạo sự “lạ hoá” nhằm hấp dẫn người đọc, yếu tố kì ảo còn có tác dụng giúp nhà văn biểu hiện, khám phá hiện thực và thể hiện những quan niệm mới mẻ về nhân sinh, thế sự, con người.
1. 4. Nghiên cứu yếu tố kỳ ảo trong tr uyện ngắn và tiểu t huyết của Võ Thị Hảo, chúng ta có thêm cơ sở khoa học để nghiên cứu, khẳng định những đổi mới trong nghệ thuật tự sự của văn xuôi Việt Nam hiện đại từ 1987 đến nay. Và từ đó chúng ta nhận ra xu thế hoà nhập của văn xuôi Việt Nam hiện đại vào văn xuôi thế giới hiện nay. Chính vì thế, nghiên cứu về yếu tố kì ảo trong sáng tác của Võ Thị Hảo (qua tiểu thuyết Giàn thiêu và tập truyện ngắn Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm) sẽ giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về thế giới nghệ thuật của nhà văn, cũng như có những nhìn nhận, đánh giá xác đáng hơn về quá trình vận động của văn xuôi Việt Nam đương đại