LA17.017_Xây dựng hệ thống bài tập phát triển kĩ năng nói cho sinh viên Sư Phạm ở học phần tiếng việt thực hành
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Kĩ năng nói có vai trò rất quan trọng đối với sinh viên sư phạm
Hình thành và phát triển toàn diện các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) là một trong những mục tiêu quan trọng trong dạy học Ngữ văn nói chung và Tiếng Việt nói riêng. Điều này đã được thể chế hoá trong tất cả các chương trình dạy học Văn – Tiếng Việt mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ Tiểu học đến Đại học. Cả bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết đều có ý nghĩa hết sức quan trọng với mỗi con người, song kĩ năng nói (KNN) đang ngày càng khẳng định vị trí của nó. Bởi trong thực tế cuộc sống,
KNN đóng vai trò như một loại công cụ cần thiết với tất cả mọi người. Sở hữu KNN tốt, thực hiện giao tiếp hiệu quả sẽ giúp con người có cơ hội thể hiện ý tưởng của bản thân trong các tình huống giao tiếp bằng lời. Với sinh viên sư phạm (SVSP) – những giáo viên tương lai – thì việc rèn luyện, phát triển KNN càng trở nên cần thiết. Bởi xét về bản chất, dạy học chính là một quá trình giao tiếp giữa giáo viên và học sinh (HS), nhằm đạt được mục tiêu giáo dục.
Giáo viên phải thường xuyên sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt nội dung dạy học, trao đổi, dẫn dắt học sinh nắm vững kiến thức, phát triển kĩ năng, hình thành năng lực. Vì vậy, việc sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả, giàu sức thuyết phục, tạo nên được những tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới lí trí và tình cảm của học sinh cũng sẽ góp phần giúp cho GV hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đặc thù nghề nghiệp, giáo viên không chỉ làm việc với học sinh mà còn phải thường xuyên cộng tác cùng đồng nghiệp trong hoặc ngoài nhà
trường, gặp gỡ phụ huynh học sinh và tham gia các hoạt động ở cộng đồng…
Với mỗi đối tượng, giáo viên phải linh hoạt trong giao tiếp, thể hiện qua lời nói, hành động và cử chỉ đúng mực, phù hợp, hướng đến mục tiêu giáo dục cần đạt. Vì vậy bên cạnh năng lực chuyên môn, thì năng lực sử dụng ngôn ngữ (trong đó có kĩ năng nói) cũng trở thành yêu cầu hết sức quan trọng đối với mỗi giáo viên.
1.2. Vấn đề phát triển kĩ năng nói cho sinh viên sư phạm vẫn chưa được chú trọng
Theo kết quả điều tra từ một cuộc khảo sát thuộc Dự án đào tạo giáo viên thì chương trình đào tạo của các trường/khoa sư phạm tại Việt Nam còn nặng về lí thuyết, nhẹ thực hành, chưa chú trọng đúng mức tới vấn đề phát triển kĩ năng nghề nghiệp. Và một trong những khuyến nghị quan trọng được đưa ra để cải cách đào tạo giáo viên ở nước ta là: “Các trọng điểm về chương trình dạy học của khoa học giáo dục trong đào tạo giáo viên cần nhấn mạnh tới giao tiếp, tương tác, và giải quyết xung đột như là những phần tử cơ bản của hoạt động dạy và học.” [25]. Thực tế đã cho thấy, trong danh mục các học phần bắt buộc của chương trình khung 14 ngành sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28 tháng 06 năm 2006 [10] không có học phần nào trực tiếp đề cập đến vấn đề rèn luyện và phát triển KNN cho SV. Tuy nhiên khi triển khai chương trình chi tiết, tùy thuộc vào đặc thù của từng khoa, các trường đã bổ sung một số học phần như: Tiếng Việt thực hành; Rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Việt; Kĩ năng giao tiếp; Giao tiếp sư phạm. Đây là những học phần có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kĩ năng nghề nghiệp (trong đó có KNN) cho SV; song các nội dung, phương pháp thực hành chưa thỏa đáng, chưa đảm nhiệm được sứ mệnh mà mục tiêu môn học đặt ra.
Bên cạnh đó, việc sử dụng khá phổ biến phương pháp dạy học thuyết trình (thầy giảng, trò nghe) tại các trường/khoa sư phạm đã làm giảm đi các cơ hội được rèn luyện, phát triển kĩ năng nói của sinh viên sư phạm. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Đào Thái Lai về thực trạng đổi mới phương pháp dạy học ở Đại học thì nhóm phương pháp thuyết trình được GV thường xuyên sử dụng nhất (60,1%); nhóm phương pháp dạy học có khả năng phát huy tính tích cực, chủ động của SV, có ưu thế trong việc phát triển KNN như thảo luận, làm việc nhóm chỉ chiếm 35,2%; tổ chức seminar chiếm 20,1%; đóng vai chiếm 6,2% [69; tr 66]. Khi GV hạn chế sử dụng những phương pháp dạy học có tính tương tác cao cũng đồng nghĩa với việc SV bị giảm đi những cơ hội được giao tiếp, trình bày, phát biểu trước tập thể. Và như vậy, KNN dù có vai trò rất quan trọng đối với SVSP, nhưng họ vẫn chưa được rèn luyện thường xuyên trong quá trình học tập.
Phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trong các trường sư phạm hiệ nay cũng là một nguyên nhân khiến việc phát triển KNN cho SV chưa được chú trọng. Các kì thi, kiểm tra hầu hết đều dùng hình thức viết, còn hình thức vấn đáp rất ít được sử dụng (kể cả những học phần mang bản chất thực hành, rèn luyện kĩ năng như Tiếng Việt thực hành, Kĩ năng giao tiếp, Giao tiếp sư phạm…). Nếu SV có được đánh giá trong khi tham gia thảo luận, trình bày kết quả làm việc nhóm, phát biểu trả lời các câu hỏi, thì GV thường quan tâm về nội dung nói (nói những gì) mà chưa quan tâm về cách nói (nói như thế nào). Vì vậy, một hiện tượng có tính chất dây chuyền diễn ra là đa số SV “nói như đọc” những nội dung đã chuẩn bị, các yếu tố phi ngôn ngữ chưa được khai thác hiệu quả, sắc thái biểu cảm của lời nói chưa được chú ý. Để góp phần giải quyết những bất cập trên thì các trường/khoa sư phạm nên quan tâm hơn tới việc rèn luyện, phát triển KNN cho SVSP ngay trong thời gian đào tạo tại trường