LA03.56_Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng giao thông Việt Nam
Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mang tính chất chiến lược của thời đại. Do đó, chúng ta phải có những đổi mới, có những bước tiến mạnh, vững chắc và nhanh chóng phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập quốc dân, khắc phục nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế so với cộng đồng quốc tế. Muốn vậy, phải tạo được những bước đột phá về giao thông vận tải. Giao thông vận tải phát triển không những đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách, giao lưu văn hóa giữa các vùng kinh tế trong nước mà còn đảm bảo tốt vai trò cầu nối để hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
Các công trình xây dựng giao thông là bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng xã hội tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển. Đồng thời hoạt động xây dựng công trình giao thông còn có khả năng thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tạo ra những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế xã hội. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng giao thông là loại hình sản xuất đặc thù mang tính động lực kích thích đầu tư nội bộ, thu hút đầu tư bên ngoài và đẩy nhanh hoạt động kinh doanh, khai thác tiềm năng lao động và tài nguyên sẵn có.
Mục tiêu xây dựng các công trình giao thông là: cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới hệ thông giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông,… hiện đại và đồng bộ theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế. Xây dựng các tuyến giao thông vận tải xuyên quốc gia nối các trung tâm công nghiệp, các đô thị, các đặc khu kinh tế, các khu chế xuất, những nơi có danh lam thắng cảnh của đất nước đến các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các tuyến nối liền với hệ thống giao thông vận tải của các quốc gia có chung đường biên giới.
Để thực hiện mục tiêu trên, các doanh nghiệp xây dựng giao thông phải đầu tư một lượng kinh phí rất lớn để đổi mới kỹ thuật, công nghệ, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật, đào tạo các nhà quản trị doanh nghiệp giỏi, đội ngũ công nhân lành nghề nhằm tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm xây dựng giao thông. Thông tin về chi phí sản xuất và hiệu quả quản trị chi phí đã và đang được kế toán quản trị chi phí cung cấp một cách đầy đủ làm cơ sở cho việc lập kế hoạch, kiểm soát, đánh giá hoạt động và ra quyết định phù hợp trong nội bộ các doanh nghiệp.
Hiện nay, tổ chức kế toán quản trị nói chung và kế toán quản trị chi phí nói riêng đã trở thành nhu cầu bức thiết đối với các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp xây dựng giao thông. Tuy nhiên, hệ thống kế toán trong hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú ý đến kế toán tài chính và kế toán thuế. Các doanh nghiệp Việt còn mơ hồ về kế toán quản trị (Nghiêm Văn Lợi, 2015). Do đó kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng giao thông chưa được quan tâm đúng mức, chưa có mô hình thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin hiệu quả làm cơ sở ra các quyết định. Điều đó đã làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng và hiệu quả của các quyết định quản trị và là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xây dựng giao thông còn hạn chế khi tham gia vào thị trường xây dựng quốc tế. Vậy làm thế nào để khắc phục được những hạn chế đó, mô hình kế toán quản trị chi phí nào sẽ giúp cho các nhà quản trị doanh nghiệp xây dựng giao thông có được thông tin hữu hiệu trong việc ra quyết định nhằm nâng cao hiệu quả quản trị chi phí? Việc làm rõ những vấn đề vừa nêu sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn cho các giải pháp quản trị doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng giao thông và thúc đẩy nền kinh tế phát triển, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Trên cơ sở đó, tôi lựa chọn đề tài “Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng giao thông Việt Nam” để triển khai nghiên cứu.