ThS34.005_Văn hóa kênh rạch trong phát triển đô thị sinh thái ở Hậu Giang
Không phải ngẫu nhiên mà người Việt gọi mảnh đất mình sinh sống là đất nước. Đất và nước là hai yếu tố cơ bản, từ khởi thủy, đã tác động đến sự hình thành và phát triển của cả tộc người Việt lẫn mỗi cá thể Việt. Đất và nước tạo nên môi trường sống, một môi trường sông nước, của người Việt, kể từ khi họ từ vùng trước núi và thung lũng tiến xuống đồng bằng. Một môi trường mà con người vừa góp phần tạo nên nó vừa là một bộ phận của nó và do nó tạo nên.
Trong tám vùng văn hóa Việt Nam thì Tây Nam Bộ – với hệ thống sông nước Cửu Long và mạng lưới kênh rạch chằng chịt – là vùng văn hóa thấm đẫm nước nhiều nhất, mang bản chất văn hóa nước rõ rệt nhất. Và do vậy, hơn đâu hết, người Việt vùng Tây Nam Bộ nói chung, người Việt ở Hậu Giang nói riêng cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng xử với nước nhất bằng cách tận dụng nước. Không ở đâu có được cảnh quan sông nước mênh mông, nhất là “kênh rạch” chằng chịt, trải dài bao la về bề ngang cũng như về bề dọc, xen kẽ giữa các dải đất, cồn đất, doi đất, cù lao, bán đảo, cây cỏ xanh tươi và những đầm lầy… Nhiều đặc điểm sinh thái khác nhau rất phong phú, vừa mâu thuẫn mà vừa hòa hợp kỳ lạ đối với con người biết thích nghi để tạo nên một nền văn minh có sắc thái độc đáo của vùng có đủ loại “nước”, đủ loại “sông rạch”, có đủ “kênh mương” nhân tạo như ở vùng đất Tây Nam Bộ này. Với khối lượng kênh đào dài trên 4.900 km, khối lượng đất đào lên đến hàng trăm triệu mét khối, công sức của con người đổ vào đây không thua gì công đắp hàng vạn cây số đê đập của văn minh sông Hồng. Nếu chỉ có sông biển, kênh rạch không thì dù nhiều đến đâu, phong phú đến đâu vẫn chưa đủ yếu tố cơ bản gọi đấy là một nền văn minh. Chính vì đã đổ ra bao công sức lao động của con người để làm nên hàng ngàn cây số kênh đào mà nó xứng đáng được gọi là một nền văn minh: “Nền văn minh kênh rạch Nam Bộ”. Một nền văn minh độc đáo không đâu có [58].
Hậu Giang là tỉnh nằm ở phần cuối đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, địa hình thấp, độ cao trung bình dưới 2 mét so với mực nước biển. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Khu vực ven sông Hậu cao nhất, trung bình khoảng 1 – 1,5 m, độ cao thấp dần về phía Tây. Bề mặt địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống kênh rạch nhân tạo. Tỉnh Hậu Giang có một hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300 km. Mật độ sông rạch khá lớn 1,5 km/km, vùng ven sông Hậu thuộc huyện Châu Thành lên đến 2 km/km. Hậu Giang nằm trong vùng trũng của khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam Bộ, Hậu Giang có thế mạnh về cây lúa và cây ăn quả các loại, có nguồn thủy sản phong phú, chủ yếu tôm, cá nước ngọt và chăn nuôi gia súc. Sông Mái Dầm có đặc sản cá ngát nổi tiếng. Tỉnh nổi tiếng với chợ nổi Ngã Bảy và nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia như di tích Khởi Nghĩa Nam Kỳ, di tích Liên Hiệp Đình Chiến Nam Bộ, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, di tích Tầm Vu, đền thờ Bác Hồ… Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 16 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại III là thành phố Vị Thanh, trung tâm tỉnh lỵ và thị xã Ngã Bảy; 1 đô thị loại IV là thị trấn Long Mỹ (nay là phường Thuận An và phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ); 13 đô thị loại V.
Hậu Giang không có biển, không có núi, rừng không nhiều, tài nguyên chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp, mặt nước khai thác và nuôi trồng thủy sản. Có thể thấy rõ kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, đặc biệt về giao thông, điện và cung cấp nước sạch. Hệ thống đường bộ còn nhiều hạn chế, có xã chưa có đường ô tô về đến trung tâm, đường liên ấp còn rất nhiều tuyến xuống cấp chưa được đầu tư xây dựng.
Tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh trên địa bàn, nên nhiều năm qua hàng loạt đô thị ở Hậu Giang đã được nâng cấp lên đô thị loại III, loại IV với vai trò là thành phố tỉnh lỵ hoặc thị xã trực thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện. Tuy nhiên, ở Hậu Giang, qui hoạch đô thị vốn chủ yếu tập trung vào khía cạnh sử dụng đất nhiều hơn là quan tâm đến không gian của kiến trúc đô thị. Sự phát triển nóng về không gian đô thị không đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước, xử lý rác thải dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái…, trong đó mặt nước có nguy cơ suy kiệt. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi năng lực quản lý, trình độ quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp nên ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống, sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ người dân tại các đô thị này.
Hệ thống kênh rạch không chỉ quan trọng trong việc đảm bảo thoát và chứa nước mưa, nước thải mà còn có giá trị cảnh quan và liên quan mật thiết tới sức khỏe cộng đồng, do đó được coi là một tài sản công quan trọng tại nhiều quốc gia dù nằm trong bất cứ khu đất thuộc sở hữu như thế nào. Có thể thấy rằng, hệ thống đô thị Hậu Giang với đặc trưng sông nước có rất nhiều tiềm năng để phát triển trở thành một khu vực đô thị năng động của khu vực và cả nước, song cũng chính với những tiềm năng đó đã đặt ra nhiều thách thức cho chặng đường phát triển trong tương lai. Để có thể phát huy tiềm năng, hạn chế những bất cập, các đô thị Hậu Giang cần hướng tới phát triển theo mô hình sinh thái. Mong muốn góp phần nhỏ giúp cho lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng quan hơn trong quy hoạch và phát triển đô thị tương lai nên tôi chọn đề tài “Văn hóa kênh rạch trong phát triển đô thị sinh thái ở Hậu Giang” làm Luận văn tốt nghiệp.