LA35.017_Văn hóa của người Hmông theo đạo Tin lành ở tỉnh Lào Cai
So với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, người Hmông ở Việt Nam chiếm một số lượng khá đông với dân số là 1.068.189 người [3, tr.134], đứng hàng thứ sáu trong tổng số 54 dân tộc. Ở Việt Nam, người Hmông cư trú chủ yếu ở vùng núi các tỉnh phía Bắc dọc biên giới Việt – Trung, Việt – Lào; đây là những khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh và cũng là địa bàn khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng với các dân tộc anh em khác, dân tộc Hmông có những nét đặc sắc về văn hóa mưu sinh, tập quán, lối sống, ý thức cộng đồng, tâm lý tộc người, tín ngưỡng truyền thống,… tạo nên một nền văn hóa phong phú, đạt được nhiều thành tựu. Bên cạnh sự tương đồng văn hoá với các tộc người thiểu số khác, người Hmông ở Việt Nam còn có những đặc điểm văn hóa riêng biệt, có giá trị nhân văn sâu sắc. Bước vào thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến nay, đặc biệt là dưới tác động của quá trình hội nhập và toàn cầu hóa đã ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa.
Không nằm ngoài quy luật, văn hóa của các tộc người, trong đó có văn hóa của người Hmông đã, đang chịu sự tác động và có những biến đổi nhất định. Ngoài ra, văn hóa của người Hmông cũng chịu tác động bởi văn hóa tôn giáo, đó là đạo Tin lành. Đạo Tin lành thâm nhập vào đồng bào Hmông năm 1985 dưới tên gọi là Vàng Chứ, chỉ trong một thời gian ngắn, đến năm 2014 số người Hmông theo Tin lành đã tăng lên rất nhanh, với tổng số 210.000 người, chiến hơn 20% số người Hmông [7; tr. 5].
Dưới sự tác động của Tin lành, văn hóa truyền thống của người Hmông đã có sự chuyển biến, thay đổi rõ rệt. Nó được thể hiện trên các mặt như mối quan hệ gia đình, dòng họ, xã hội; vai trò của những người có uy tín; niềm tin tôn giáo; lễ thức trong hôn nhân, hay tang ma; văn hóa, lối sống,…
Những biến đổi đó, bên cạnh những mặt tích cực đối với xã hội như xóa bỏ một số hủ tục lạc hậu trong việc thực hành các nghi lễ, làm giảm bớt đi những tệ nạn xã hội,… vẫn có cả mặt hạn chế, như làm mai một đặc trưng văn hóa tộc người, gây mất đoàn kết trong xã hội, bị các đối tượng xấu lợi dụng,…
Vấn đề hiện nay là làm sao có thể bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của tộc người Hmông góp phần vào công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và tiếp tục triển khai theo Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Lào Cai là địa phương có vị trí địa chính trị, địa văn hóa khá đặc trưng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ở Lào Cai, người Hmông có số lượng dân là 137.469 người, đứng thứ hai sau người Kinh. Người Hmông ở Lào Cai bắt đầu theo đạo Tin lành từ năm 1989. Sau 25 năm, tính đến năm 2014, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 24.166 người Hmông theo Tin lành của 6 tổ chức ở 8 huyện, thành phố; 64 xã, thị trấn; với 133 điểm nhóm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt [7; tr.5].
Người Hmông theo Tin lành ở tỉnh Lào Cai đã chịu tác động mạnh mẽ của đạo Tin lành làm cho văn hóa truyền thống đã có sự biến đổi quan trọng. Điều đó đã ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng của địa phương và khu vực.
Với mong muốn đóng góp thêm vào sự hiểu biết về văn hóa dân tộc Hmông đã thay đổi theo Tin lành tại Lào Cai, từ đó cung cấp những tư liệu khoa học giúp Đảng và Nhà nước ta có những chính sách phù hợp trong việc phát huy những giá trị văn hóa của tộc người Hmông theo Tin lành và hạn chế những yếu tố tiêu cực nảy sinh góp phần phát triển bền vững tỉnh Lào Cai.
Vì vậy, tác giả đã chọn vấn đề: Văn hóa của người Hmông theo đạo Tin lành ở tỉnh Lào Cai làm nội dung đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành Nhân học.