Vai trò của tín dụng
Thứ nhất, tín dụng góp phần thúc đẩy quá trình tái sản xuất xã hội. Nhờ có tín dụng với một hệ thống các hình thức tín dụng đa dạng, vốn nhàn rỗi trong xã hội được cung ứng cho các chủ thể kinh tế để đáp ứng nhu cầu đa dạng về sản xuất và tiêu dùng của họ. Từ đó, vừa đẩy nhanh tốc độ sản xuất và tốc độ tiêu thụ sản phẩm; vừa giúp người cần vốn có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn các nguồn vốn tín dụng, tiết kiệm chi phí giao dịch và các chi phí nguồn vốn khác của họ. Mặt khác, khi sử dụng các nguồn vốn tín dụng của các trung gian tài chính, khi các hình thức tín dụng không ngừng được mở rộng và nâng cao hiệu quả cùng với các điều kiện tín dụng chặt chẽ, các doanh nghiệp sẽ có được sự chủ động khi thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực sự quan tâm đến hiệu quả của đồng vốn bỏ ra, tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, nâng cao năng lực sản xuất xã hội, từ đó hạn chế được rủi ro đạo đức và rủi ro lựa chọn đối nghịch.
Xem thêm : Khái niệm và đặc trưng tín dụng
Thứ hai, tín dụng là kênh truyền tải tác động của Nhà nước tới các mục tiêu vĩ mô. Ba mục tiêu vĩ mô quan trọng mà một chính sách tiền tệ phải giải quyết, đó là: ổn định giá cả, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo công ăn việc làm đầy đủ. Muốn đạt được các mục tiêu vĩ mô đó, không thể thiếu được là sự tác động không nhỏ của khối lượng và cơ cấu tín dụng xét cả về mặt thời hạn cũng như đối tượng tín dụng. Nhà Nước có thể thay đổi quy mô cũng như chuyển hướng vận động của nguồn vốn tín dụng thông qua việc điều chỉnh và thay đổi các điều kiện tín dụng, từ đó mà ảnh hưởng đến quy mô và kết cấu của tổng cầu, và tác động ngược lại với tổng cung và các điều kiện sản xuất khác. Điểm cân bằng giữa tổng cung và tổng cầu dưới sự tác động của chính sách tín dụng sẽ cho phép đạt được các mục tiêu vĩ mô cần thiết. Nhưng trong từng thời kỳ, Nhà Nước phải chấp nhận sự đánh đổi khi lựa chọn mục tiêu kinh tế vĩ mô này mà không thể đạt được mục tiêu kinh tế vĩ mô khác. Không phải là dễ nếu không muốn nói là quá khó để có thể đạt được cùng một lúc cả ba mục tiêu kinh tế vĩ mô trong một khoảng thời gian nhất định.
Thứ ba, tín dụng là công cụ thực hiện các chính sách xã hội. Trước đây, việc tài trợ cho các đối tượng chính sách chủ yếu là từ nguồn Ngân sách Nhà nước mang tính chất không hoàn lại. Nhưng xu thế ngày nay, phương thức tài trợ không hoàn lại dần được thay thế bởi phương thức tài trợ có hoàn lại thông qua con đường tín dụng đối với các đối tượng chính sách tỏ ra khá hiệu quả, mở rộng quy mô tín dụng chính sách. Như việc cho vay người nghèo, sinh viên nghèo vượt khó… với lãi suất thấp cùng các ưu đãi khác để tạo điều kiện cho họ giải quyết khó khăn về mặt tài chính của Ngân Hàng Chính Sách và Ngân Hàng Phát Triển ở nước ta hiện nay khẳng định sự quan tâm của chính phủ đến mọi tầng lớp trong xã hội. Rõ ràng, khi các đối tượng chính sách quan tâm đến hiệu quả sử dụng của đồng vốn vay để đảm bảo trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi, họ sẽ ý thức hơn về đồng vốn họ làm ra, tạo điều kiện cho họ nâng cao tay nghề đáp ứng tốt hơn nhu cầu phục vụ sản xuất, từng bước độc lập hơn với nguồn vốn tài trợ, cải thiện đời sống. Và đó cũng chính là mục đích của việc sử dụng phương thức tài trợ các mục tiêu chính sách bằng con đường tín dụng.