LA02.146_Truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam
3. Mục tiêu nghiên cứu
– Tổng hợp và phân tích cơ sở lý luận về truyển tải chính sách tiền tệ, truyển tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng với hai kênh bảng cân đối tài sản của người đi vay và kênh khả năng cấp tín dụng của ngân hàng. Tổng hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và kết quả nghiên cứu về truyển tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng từ các nghiên cứu trong và ngoài nước làm cơ sở cho nghiên cứu thực tiễn Việt Nam.
– Phân tích thực trạng truyền tải chính sách tiền tệ và hoạt động của hệ thống NHTM Việt Nam làm cơ sở để phân tích thực trạng truyển tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng với hai kênh bảng cân đối tài sản của người đi vay và kênh khả năng cấp tín dụng của ngân hàng. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng của NHTM Việt Nam.
– Nghiên cứu định lượng về mức độ, chiều hướng truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng tại Việt Nam, xem xét mức độ đóng góp của kênh tín dụng vào diễn biến các mục tiêu của chính sách tiền tệ.
– Đề xuất giải pháp và kiến nghị nhằm tăng cường khả năng truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng của NHTM Việt Nam trong thời gian tới.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng chính của luận án là thực trạng truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng với hai kênh bảng cân đối tài sản của người đi vay và kênh khả năng cấp tín dụng của ngân hàng tại Việt Nam. Thực trạng truyền tải được thể hiện qua sự biến động của tín dụng (bên tài sản trên bảng cân đối tài sản của ngân hàng và nguồn vốn vay ngân hàng trên bảng cân đối tài sản của người đi vay là doanh nghiệp). Ngoài ra, đề tài cũng phân tích thực trạng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và hoạt động của hệ thống NHTM.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận án được giới hạn từ năm 2011 tới năm 2015. Đối với nghiên cứu định lượng, giai đoạn nghiên cứu kéo dài từ quý 1 năm 2000 đến quý 4 năm 2015.
5. Phương pháp nghiên cứu
Ngoài phương pháp triết học biện chứng và duy vật lịch sử thường được sử dụng trong nghiên cứu khoa học nói chung, luận án vận dụng các phương pháp khảo sát, thống kê, so sánh, phân tích – tổng hợp, diễn dịch, quy nạp.
Ngoài các sơ đồ, bảng, đồ thị, đề tài sử dụng mô hình kinh tế lượng SVAR để kiểm chứng sự tồn tại và đo lường mức độ khuếch đại chính sách tiền tệ của kênh tín dụng thông qua hàm phản ứng. Thông qua phân rã quá khứ, đề tài đánh giá tác động của tín dụng tới sự biến động của các biến số kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế.
Đề tài khai thác các nguồn dữ liệu báo cáo tài chính từ năm 2010 đến năm 2015 của 201 doanh nghiệp niêm yết trong chỉ số VNINDEX; dữ liệu báo cáo tài chính từ năm 2010 đến năm 2014 của 29 NHTM; dữ liệu tiền tệ, ngân hàng từ Thống kê tài chính quốc tế của IMF; dữ liệu kinh tế vĩ mô từ Tổng cục Thống kê; dữ liệu khảo sát 306 doanh nghiệp năm 2013 của nhóm nghiên cứu thực hiện Báo cáo hoạt động ngân hàng năm 2013 và một số dự báo năm 2014 của Học viện Ngân hàng.
6. Kết cấu luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án gồm ba chương:
Chương 1: Cơ sở luận về truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng của ngân hàng thương mại
Chương 2: Thực trạng truyển tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Chương 3: Giải pháp tăng cường khả năng truyền tải chính sách tiền tệ qua kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam