LA02.162_Truyền dẫn chính sách tiền tệ và kênh cho vay tại Việt Nam
Nghiên cứu này xem xét sự tồn tại của kênh lãi suất, kênh tỷ giá, kênh giá tài sản và kênh cho vay trong truyền dẫn chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Thêm vào đ1o, nghiên cứu này xem xét các yếu tố tác động đến kênh cho vay cũng như ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu nằm 2008 đến kênh truyền dẫn này. Nghiên cứu phát hiện bằng chứng của kênh chi phí tại Việt Nam, điều này phản ánh tính không hiệu quả của chính sách tiền tệ trong kiểm soát lạm phát, vì vậy đây là thách thức rất lớn cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nghiên cứu này lại không phát hiện bằng chứng có ý nghĩa thống kê về kênh tỷ giá và kênh giá tài sản chứng tỏ hai kênh truyền dẫn này yếu hoặc không tồn tại ở Việt Nam. Nghiên cứu này cũng phát hiện bằng chứng của kênh cho vay tại Việt Nam, trong đó kênh cho vay bị ảnh hưởng bởi đặc điểm của ngân hàng thương mại như quy mô và vốn của ngân hàng. Nghiên cứu này cũng phát hiện thấy rằng khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 có tác động mạnh đến kênh cho vay làm kênh cho vay mạnh hơn trong giai đoạn khủng hoảng.
Trước tiên, với các kết quả nghiên cứu đó, luận án này có đóng góp về mặt lý thuyết về sự tồn tại của kênh chi phí tại quốc gia nhỏ và mở cửa. Tiếp đến luận án này có đóng góp bằng chứng thực nghiệm về sự tồn tại của kênh cho vay, các yếu tố tác động bao gồm cả tác động của khủng hoảng đến kênh cho vay tại một quốc gia mới nổi như Việt Nam. Thứ ba, luận án này có đóng góp quan trọng cho nhà hoạch định chính sách Việt Nam trong thực thi chính sách tiền tệ và ổn định hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính, đặc biệt trong trường hợp Việt Nam phải đối mặt với các cú sốc từ bên ngoài như khủng hoảng toàn cầu. Với khía cạnh học thuật, luận án này xác định rằng những nhà nghiên cứu kinh tế nên kiểm tra sự tồn tại của tất cả các kênh truyền dẫn trong cùng một mô hình để dễ dàng kiểm soát tốt hơn các tương tác giữa các kênh và hiệu quả của từng kênh. Với kết quả thực nghiệm, luận án có những hàm ý chính sách quan trọng cho nhà hoạch định chính sách Việt Nam như phát triển thị trường nợ và vốn, kiểm soát các hoạt động có tính rủi ro của hệ thống ngân hàng và áp dụng các chính sách tiền tệ phi truyền thống như chính sách lạm phát mục tiêu.