ThS46.001_Tranh kỹ thuật số ở Việt Nam hiện nay
1. Lý do chọn đề tài
Thế giới ngày nay đã và đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới với một nền văn minh trí tuệ và nền kinh tế tri thức, hội nhập toàn cầu hoá. Các quốc gia trên thế giới đang có những bước chuyển nhanh và mạnh từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin, từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Chính bởi sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ thông tin (CNTT) đã ảnh hưởng một cách sâu rộng đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội… của nhân loại.
Hoà cùng với xu thế phát triển chung cuả thế giới, Việt Nam cũng đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Mọi lĩnh vực của đời sống: kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật… đều có những bước phát triển đáng kể, cả về chất cũng như về lượng nhằm thích ứng với điều kiện phát triển mới của đất nước cũng như xu thế chung của toàn nhân loại khi bước vào thiên niên kỷ mới – kỷ nguyên kỹ thuật số (KTS).
Trong lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, ngày càng có nhiều nghệ sĩ ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sáng tạo và thực hành nghệ thuật. Điều này đã đem lại nhiều biến đổi về quan niệm cũng như trong hình thức thể hiện nghệ thuật. Một đội ngũ “hoạ sĩ số” [36, tr.161] cũng dần hình thành và phát triển ở Việt Nam hiện nay. Họ đã và đang góp phần xây dựng Việt Nam với một nền nghệ thuật phát triển cao tương xứng với một “nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” [9]. Từ thực tế đó, một dạng thức nghệ thuật đã xuất hiện, hình thành và phát triển ở Việt Nam thông qua con đường giao lưu văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam với thế giới đương đại trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa. Đó chính là nghệ thuật kỹ thuật số (KTS).
Quá trình vận động nền nghệ thuật trong nước dẫn đến sự hình thành và phát triển của hình thức tranh KTS. Do đó ngày càng nhiều họa sĩ sử dụng máy vi tính với tư cách là một công cụ hỗ trợ sáng tác mỹ thuật, đa phương tiện (ĐPT), đa chức năng, thể hiện một cách hiệu quả những ý tưởng sáng tạo và quá trình “sản xuất sản phẩm thẩm mỹ” [30]. Việc khai thác triệt để khả năng ứng dụng máy vi tính trong lĩnh vực mỹ thuật giúp họa sĩ có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật một cách nhanh chóng. Mặc dù vậy ở Việt Nam hiện nay, khi đề cập đến tranh KTS, rất nhiều người thậm chí là cả giới nghệ sĩ cũng đều nhìn nhận nó dưới góc độ kỹ thuật. Lý do chính là sự thiếu cập nhật thông tin đã gây ra những hiểu biết sai lệch ề lĩnh vực này và tạo ra tâm lý “sùng mộ” một cách quá đáng hoặc dè dặt, e sợ, thậm chí “dị ứng” đối với tranh KTS… Về phương diện lý luận nghệ thuật, ở Việt Nam hiện nay cũng đã có những tài liệu, bài viết và giáo trình có nội dung về đồ họa vi tính nhưng lại ít đề cập đến tranh KTS. Rất cần những công trình nghiên cứu mang tính hệ thống, chuyên sâu, tiếp cận liên ngành về các vấn đề của tranh KTS. Để từ đó có một cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc
hơn về hình thức của dạng nghệ thuật này. Việc nghiên cứu và xem xét tranh KTS theo quan điểm: nghệ thuật học, mỹ thuật học, ký hiệu học nghệ thuật, cấu trúc văn bản nghệ thuật… nhằm đúc kết thành một công trình mang tính khoa học là rất cần thiết và cấp bách. Thực tế ở Việt Nam vẫn còn thiếu những nghiên cứu về lĩnh vực tạo hình trong các tác phẩm được thể hiện bằng cách ứng dụng các phương tiện KTS. Hơn nữa, tranh KTS phát triển ở Việt Nam hiện nay vẫn mang tính chất manh mún và bộc phát. Cần phải có những chiến lược phát triển dài lâu nhằm thúc đẩy cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của nghệ thuật KTS trong xã hội một cách chuyên nghiệp và có định hướng. Đối với những họa sĩ vẽ tranh KTS cũng chưa thực sự tìm được những hướng đi vững chắc cho hoạt động nghề nghiệp của mình. Đa số họ chỉ dừng lại ở mức độ tìm kiếm và thể nghiệm các kỹ thuật vẽ KTS…
Xuất phát từ tình hình thực tiễn nêu trên, tác giả luận án mạnh dạn chọn đề tài Tranh kỹ thuật số ở Việt Nam hiện nay. Thông qua đó, đề tài nghiên cứu muốn đề cập đến thực trạng, xu hướng phát triển và sự biến đổi của mỹ thuật Việt Nam trong kỷ nguyên KTS. Đồng thời cũng phân tích, tổng hợp và lý giải những vấn đề liên quan đến tranh KTS cũng như ngôn ngữ tạo hình trong tranh KTS ở Việt Nam hiện nay