LA22.002_Tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu và hiệu quả bổ sung sắt hàng tuần ở phụ nữ 20-35 tuổi tại huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi sinh đẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ tuổi sinh đẻ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất về dinh dưỡng vì vậy họ cần được bảo vệ sức khỏe và duy trì dinh dưỡng tốt để lao động sản xuất và làm tròn thiên chức sinh sản [41]. Thiếu dinh dưỡng và thiếu máu đã ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới. Thiếu dinh dưỡng không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động mà còn gây ra các biến chứng thai sản như cao huyết áp, sản giật, nhiễm khuẩn hoặc tử vong. Thiếu máu được coi là một chỉ số quan trọng của thiếu dinh dưỡng. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ nói chung là 42%, phụ nữ mang thai là 52% [98]. Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Theo ước tính gần đây nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, trong số hơn 1,6 tỷ người trên toàn cầu bị thiếu máu thì có tới 50% là thiếu máu do thiếu sắt [141]. Tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt của phụ nữ Anh là 18%, phụ nữ Mỹ là 9-11% [98].
Ở Việt Nam, thiếu máu bà mẹ và trẻ em được xác định là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng. Báo cáo của Viện Dinh dưỡng năm 2009-2010 cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 28,8%, phụ nữ mang thai là 36,5%, cao nhất là vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên lên tới gần 60%. Nguyên nhân chính của thiếu máu phụ nữ Việt Nam cũng là do thiếu sắt, chiếm từ 22-86,3% ở một số vùng nông thôn và miền núi [36]. Thiếu máu thiếu sắt là do cơ thể không nhận đủ lượng sắt cần thiết từ khẩu phần, do mất máu, nhiễm giun, rối loạn hấp thu sắt và nhu cầu tăng. Ở phụ nữ, tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt cao thường liên quan đến mất máu qua các kỳ kinh nguyệt, nhu cầu cao khi mang thai và thời gian cho con bú. Hậu quả của thiếu máu thiếu sắt rất nặng nề đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ em và năng suất lao động người lớn. Thiếu máu ở phụ nữ cũng làm tăng nguy cơ tai biến và tử vong mẹ trong cả thời kỳ mang thai và sinh nở [144]. Với các ảnh hưởng nặng nề của thiếu máu do thiếu sắt, việc phòng ngừa, phát hiện
sớm và có kế hoạch điều trị kịp thời sẽ là can thiệp có hiệu quả trong việc nâng cao sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em.
Bổ sung viên sắt/acid folic được xem là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu máu do thiếu sắt [87]. Việt Nam hiện đang áp dụng phác đồ bổ sung sắt hàng ngày để điều trị thiếu máu của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cho trẻ em và phụ nữ có thai. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng viên sắt theo phác đồ này còn nhiều hạn chế do tác dụng phụ về đường tiêu hóa, khó khăn về vấn đề tuyên truyền và duy trì tuân thủ uống thuốc theo đúng chỉ dẫn [11], [27], [81], [100]. Phác đồ bổ sung sắt hàng tuần là một trong những giải pháp có hiệu quả tương tự như bổ sung sắt hàng ngày. Hơn thế nữa, việc bổ sung sắt hàng tuần làm giảm đáng kể tỷ lệ các phản ứng phụ [18],[45] đồng thời lại tiết kiệm được số lượng viên sắt nên có thể mở rộng đối tượng, nhất là đối với nhóm phụ nữ không có thai [72], [114]. Bổ sung sắt gián đoạn qua đường uống được đề xuất như một giải pháp thay thế có hiệu quả đối với bổ sung sắt hàng ngày để phòng thiếu máu cho những phụ nữ có kinh nguyệt [42], [51].
Lý do đề xuất của can thiệp này là do tế bào ruột được chuyển hóa trong vòng 5-6 ngày, vì vậy, khi bổ sung sắt gián đoạn, các tế bào biểu mô mới sẽ chỉ bộc lộ với chất dinh dưỡng này, theo lý thuyết sẽ làm tăng hấp thu sắt [129], [147]. Mặt khác, bổ sung sắt gián đoạn cũng có thể làm giảm quá trình oxy hóa cũng như làm giảm sự bao vây của việc hấp thu các khoáng chất khác do hàm lượng sắt quá cao trong lòng ruột và biểu mô ruột [42], [128]. Căn cứ vào những cơ sở trên, chúng tôi tiến hành thử nghiệm phác đồ bổ sung sắt hàng tuần liên tục và bổ sung sắt hàng tuần ngắt quãng cho phụ nữ 20-35 tuổi tại Lục Nam, là huyện miền núi nằm phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang nhằm cung cấp bằng chứng về việc áp dụng các giải pháp phòng chống thiếu máu cho phụ nữ tại cộng đồng.
Mục tiêu nghiên cứu
1. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu, tỷ lệ nhiễm giun và khẩu phần ăn thực tế của phụ nữ lứa tuổi 20-35 tại 6 xã thuộc huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang.
2. So sánh hiệu quả của bổ sung sắt hàng tuần liên tục với bổ sung sắt hàng tuần ngắt quãng tới tình trạng dinh dưỡng và thiếu máu của phụ nữ lứa tuổi 20-35 tại các địa điểm nói trên.
Giả thuyết nghiên cứu:
Nghiên cứu được thực hiện để kiểm định các giả thuyết sau:
1. Thiếu năng lượng trường diễn, tình trạng nhiễm giun và khẩu phần ăn có liên quan đến thiếu máu ở phụ nữ lứa tuổi 20-35.
2. Phác đồ bổ sung sắt/acid folic hàng tuần ngắt quãng có thể tốt hơn phác đồ bổ sung sắt/acid folic hàng tuần liên tục nhằm cải thiện tình trạng thiếu máu của phụ nữ lứa tuổi 20-35