LA02.018_Tín dụng ngân hàng góp phần phát triển kinh tế họp tác xã ở VN
1. Tính cấp thiết của đề tài
Đến nay trên cả nước có 16.899 HTX, trong đó có 9.313 HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp, 515 HTX thương mại – dịch vụ, 2.325 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 542 HTX xây dựng, 591 HTX thuỷ sản, 1.086 HTX giao thông vận tải và 1.629 các loại hình HTX khác. Đó là một lực lượng hùng hậu khi kinh tế HTX phát triển trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tuy nhiên việc đổi mới hoạt động, cũng như đổi mới quản lý kinh tế hợp tác xã cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đảng và nhà nước đưa ra nhiều chủ trương, chính sách quan trọng và không ngừng được hoàn thiện, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động của kinh tế hợp tác xã.
Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX và lần thứ X đều đã khẳng định: “Kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” và “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt”.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã chính thức gia nhập tổ chức thương mại thế giới – WTO từ ngày 7-11-2006, song thực tiễn đặt ra là những người sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, năng lực tiếp cận với thị trường hạn chế, nên thường là những người yếu thế, bị thua thiệt trong cạnh tranh của quá trình hội nhập. Vì vậy mô hình kinh tế hợp tác xã có vai trò rất quan trọng liên kết họ lại, là cầu nối về vốn, công nghệ, thị trường và thông tin khác,… để họ đứng vững trong cạnh tranh. Như vậy phát triển kinh tế hợp tác xã còn có ý nghĩa kinh tế – xã hội sâu sắc, được đặt ra từ chính quá trình hội nhập.
Song một trong những nhân tố rất quan trọng để cho kinh tế hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và phát triển được thì đòi hỏi phải có vốn. Nhưng một thực tế đặt ra là vốn tự có của hợp tác xã rất hạn chế, mà chủ yếu tồn tại dưới dạng quyền sử dụng đất, trụ sở và nhà xưởng cũ nát, công nợ dây dưa, vốn đóng góp bằng tiền của xã viên cũng rất ít,… nên phải trông chờ chủ yếu vào vốn vay ngân hàng thương mại. Như vậy, muốn kinh tế HTX phát triển thì vai trò của tín dụng ngân hàng là rất quan trọng. Tuy nhiên, đa số các HTX không vay được vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh. Ngược lại, các NHTM cũng không mở rộng được quy mô vốn cho vay kinh tế hợp tác xã do không đảm bảo được các điều kiện theo chính sách tín dụng hiện hành. Mâu thuẫn này đã, đang rất gay gắt trong thực tiễn cần được giải quyết. Chính vì vậy Luận án lựa chọn đề tài: “Tín dụng ngân hàng góp phần phát triển kinh tế hợp tác xã ở Việt Nam” để nghiên cứu là xuất phát từ yêu cầu cấp bách đặt ra trong thực tiễn nói trên.
2. Mục đích nghiên cứu
– Hệ thống hoá những vấn đề lý luận cơ bản về vai trò của Tín dụng ngân hàng đối với phát triển kinh tế HTX trong nền kinh tế thị trường.
– Phân tích rõ thực trạng và đánh giá thực trạng tín dụng ngân hàng đối với phát triển kinh tế HTX tại Việt Nam giai đoạn 2000 – 2007.
– Đề xuất các giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả tín dụng để phát triển kinh tế HTX tại Việt Nam trong thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
+ Đối tượng nghiên cứu:
– Những vấn đề lý luận cơ bản về tín dụng ngân hàng góp phần phát triển kinh tế HTX trong nền kinh tế thị trường.
– Thực trạng hoạt động tín dụng ngân hàng góp phần phát triển kinh tế HTX ở Việt Nam.
– Các giải pháp tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế HTX ở Việt Nam trong thời gian tới.
+ Phạm vi nghiên cứu:
– Nghiên cứu kinh tế Hợp tác xã là một trong số các hình thức chủ yếu về liên kết, hợp tác của kinh tế tập thể được điều chỉnh bởi Luật hợp tác xã.
– Kinh tế hợp tác xã tức là tính hiệu quả thiết thực, vai trò của hợp tác xã đối với xã viên, đối với sự phát triển kinh tế nhiều thành phần.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học kinh tế, từ các phương pháp truyền thống, như duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, điều tra, phân tổ thống kê, so sánh, đến các phương pháp phân tích hoạt động kinh tế, phỏng vấn, chọn mẫu,…với sự trợ giúp của kỹ thuật vi tính và tham khảo các công trình nghiên cứu khác có liên quan để làm nổi bật kết quả nghiên cứu
của đề tài.
5. Kết cấu của Luận án
Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục các tài liệu tham khảo, 16 Bảng số liệu và một số sơ đồ, biểu đồ, nội dung chính của Luận án bao gồm 201 trang được kết cấu thành ba chương :
Chương 1: Những vấn đề cơ bản về tín dụng ngân hàng góp phần phát triển kinh tế hợp tác xã
Chương 2: Thực trạng tín dụng ngân hàng góp phần phát triển kinh tế hợp tác xã ở Việt Nam
Chương 3: Giải pháp tín dụng ngân hàng góp phần phát triển kinh tế hợp tác xã ở Việt Nam