ThS31_107_Tích hợp kiến thức địa lý địa phương vào dạy học địa lý lớp 10 trường THPT
1. Lý do chọn đề tài
Trong chương trình giáo dục quốc dân, Địa lý là môn học quan trọng nên được đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông từ lớp 6 cho đến lớp 12, nhằm mục đích trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về khoa học địa lý, cũng như vận dụng những kiến thức đó vào cuộc sống để biết cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh, đồng thời đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước, xu thế tất yếu của thời đại.
Địa lý là môn học có nhiều thuận lợi về giáo dục tình yêu quê hương đất nước, trong đó các kiến thức địa lý địa phương có vai trò cực kỳ quan
trọng. Vì thế, một nhà văn Nga đã nói: tình yêu quê hương đất nước phải được bắt nguồn từ tình yêu đối với sự vật, hiện tượng gần gũi, thân quen nơi xóm, làng của mình và chúng ta chỉ thực sự yêu chúng khi hiểu biết sâu sắc về chúng. Chính việc giảng dạy địa lý địa phương tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tìm hiểu và đánh giá đúng tiềm năng các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và thực trạng kinh tế – xã hội của địa phương, từ đó giúp họ định hướng nghề nghiệp, lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Kiến thức địa lý địa phương (quê hương) có liên quan nhiều đến địa lý đại cương, địa lý thế giới, địa lý Việt Nam, trong đó đặc biệt là địa lý lớp 10. Hệ thống kiến thức Địa lý lớp 10 là nền tảng của môn Địa lý THPT, bao gồm: các khái niệm, các quy luật địa lý, các mối quan hệ nhân quả… nhưng nhiều nhất là các khái niệm chung. Kiến thức địa lý địa phương là tài liệu sống động để nắm những kiến thức địa lý cơ bản đó. Bởi vì thông qua những hiểu biết ban đầu về các sự vật, hiện tượng hết sức gần gũi, thân quen mà học sinh nhìn thấy hàng ngày ở địa phương sẽ tạo điều kiện để hình thành biểu t ượng địa lý cho học sinh. Trong khi đó, biểu tượng địa lý lại là cơ sở để tạo nên khái niệm địa lý, vì nó phản ánh đượ c những thuộc tính của khái niệm địa lý tương ứng .
Ngược lại, việc đưa kiến thức địa lý địa phương trong dạy học địa lý sẽ góp phần bổ sung kiến thức về địa phương cho học sinh và làm giàu tình yêu quê hương đất nước trong tâm hồn các em. Đồng thời, bài giảng địa lý có sự liên hệ, chứng minh bằng thực tiễn nơi các em đang sinh sống và học tập sẽ trở nên hấp dẫn và có tính thuyết phục với học sinh hơn.
Ở nước ta vấn đề dạy học địa lý địa phương ở các trường phổ thông hiện nay đã được chú ý nhiều hơn trước. Tuy nhiên, dung lượng kiến thức này vẫn còn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong chương trình địa lý phổ thông. Ngoài các tiết dạy địa lý địa phương theo quy định, thầy (cô) giáo chưa thường xuyên đưa kiến thức địa lý địa phương vào bài giảng . Đặc biệt, giáo viên nắm kiến thức địa lý địa phương chưa sâu, chưa rộng đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh. Do đó, kiến thức địa lý địa phương của học sinh thường nghèo nàn, việc cung cấp và bổ sung kiến thức địa lý địa phương cho học sinh còn nhiều hạn chế, đây là vấn đề cần khắc phục. Rõ ràng, đề tài sẽ thực hiện được nhiều mục đích phù hợp với đòi hỏi cả về mặt lý thuyết và thực tiễn. Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn đề tài “Tích hợp kiến thức địa lý địa phương vào dạy học địa lý lớp 10 trường THPT”