ThS01.033_Thực trạng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển sản xuất chè tại thành phố thái nguyên
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Chè là cây công nghiệp dài ngày có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, là cây trồng xuất hiện từ lâu đời, được trồng khá phổ biến trên thế giới. Đặc biệt là một số quốc gia khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…Nước chè là thức uống tốt, rẻ tiền hơn cà phê, ca cao, có tác dụng giải khát, chống lạnh, khắc phục sự mệt mỏi của cơ thể, kích thích hoạt động của hệ thần kinh, hệ tiêu hoá và chữa được một số bệnh đường ruột. Đặc biệt chất Tanin trong chè có khả năng hút chất phóng xạ, do đó nó còn chống được một số bệnh do các chất phóng xạ gây ra [4]. Chính vì các đặc tính ưu việt trên, chè đã trở thành sản phẩm đồ uống phổ thông trên toàn thế giới. Hiện nay đã có trên 40 nước trên thế giới sản xuất chè, trong khi có trên 200 nước tiêu thụ chè. Đây chính là một lợi thế tạo điều kiện cho việc sản xuất chè ngày càng phát triển.
Việt Nam là một nước có điều kiện tự nhiên thích hợp cho cây chè phát triển. Chè có lịch sử phát triển trên 4000 năm, cây chè ở Việt Nam cho năng suất, sản lượng tương đối ổn định và có giá trị kinh tế. Tạo nhiều việc làm cũng như thu nhập cho người lao động, đặc biệt là các tỉnh trung du và miền núi. Với ưu thế là một cây công nghiệp dễ khai thác, nguồn sản phẩm đang có nhu cầu lớn về xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước, cây chè được coi là cây trồng mũi nhọn, một thế mạnh của khu vực trung du và miền núi.
Thành phố Thái Nguyên là một thành phố trung du, miền núi Bắc Bộ, được thiên nhiên ưu đãi một hệ thống đất đai và điều kiện khí hậu thời tiết khá thích hợp cho việc phát triển cây chè. So với các huyện trong tỉnh, thành phố có diện tích chè khá lớn được phân bố chủ yếu ở các xã phía Tây, với vùng trọng điểm là các xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Thịnh Đức. Hiện nay, cây chè đã trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.
Trong nhiều năm qua, sản xuất chè của thành phố đã có bước phát triển, song kết quả sản xuất chè còn chưa cao so với tiềm năng và còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, giải quyết. Vậy, thực trạng phát triển sản xuất chè của thành phố như thế nào? Có những yếu tố, nguyên nhân chủ yếu nào ảnh hưởng? Cần có những định hướng và các giải pháp chủ yếu nào để sản xuất chè của thành phố phát triển nhanh, vững chắc và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Xuất phát từ yêu cầu đó tôi lựa chọn đề tài: “Thực trạng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển sản xuất chè tại thành phố Thái Nguyên” làm đề tài nghiên cứu nhằm góp phần thiết thực triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
2. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài
2.1- Mục tiêu chung
Mục tiêu bao trùm của đề tài là trên cơ sở nghiên cứu thực trạng phát triển sản xuất chè tại thành phố Thái Nguyên, đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển sản xuất chè tại thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của thành phố.
2.2- Mục tiêu cụ thể
– Góp phần hệ thống hoá về cơ sở lý luận và thực tiễn vấn đề phát triển sản xuất chè.
– Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển sản xuất chè trên địa bàn thành phố Thái Nguyên từ năm 2004 – 2006.
– Đề ra định hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển sản xuất chè trên địa bàn thành phố Thái Nguyên trong thời gian tới.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1- Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là các vấn đề về phát triển sản xuất chè của các nông hộ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
3.2- Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu bao gồm phạm vi về nội dung nghiên cứu, không gian và thời gian nghiên cứu từ năm 2004 – 2006. Nội dung nghiên cứu về phát triển sản xuất chè là vấn đề rất rộng, vì vậy đề tài chỉ tập trung nghiên cứu tình hình phát triển sản xuất chè trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Từ đó đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển mạnh lĩnh vực này trên địa bàn thành phố Thái Nguyên trong những năm tới.
4. Đóng góp của Luận văn
Luận văn là tài liệu giúp nông dân trong các vùng trồng chè của thành phố đánh giá hiệu quả kinh tế sản xuất chè so với các cây trồng khác để lựa chọn nhân rộng sản xuất chè trên địa bàn thành phố Thái Nguyên phát triển đạt hiệu quả cao, có cơ sở khoa học.
Luận văn là công trình khoa học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực, là tài liệu giúp thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất chè những năm tiếp theo có cơ sở khoa học.
Luận văn nghiên cứu khá toàn diện và có hệ thống những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển sản xuất chè ở thành phố Thái Nguyên, có ý nghĩa thiết thực cho quá trình phát triển sản xuất chè ở thành phố Thái Nguyên và đối với các địa phương có điều kiện tương tự.
5. Bố cục của Luận văn
Mở đầu
Chương 1: Tổng quan tài liệu nghiên cứu và Phương pháp nghiên cứu
Chương 2: Thực trạng phát triển sản xuất chè ở thành phố Thái Nguyên
Chương 3: Định hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển sản xuất chè ở thành phố Thái Nguyên
Kết luận và kiến nghị