ThS06.011_Thực thi pháp luật về đăng ký kinh doanh trên địa-bàn-Hà-Nội
Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) là hoạt động pháp lý khai sinh ra doanh nghiệp, hoạt động này có vai trò rất quan trọng không chỉ đối với chính doanh nghiệp được khai sinh mà còn với chủ thể cấp giấy khai sinh cho doanh nghiệp đó. Bởi vậy, trong những hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, vấn đề quản lý hoạt động ĐKKD luôn luôn được chú trọng.
Ngày 29/11/2005 Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự phát triển mạnh mẽ. Số lượng doanh nghiệp thành lập tăng kéo theo sự gia tăng nhanh chóng về khối lượng công việc của đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) cũng như yêu cầu quản lý nhà nước về ĐKDN. Trước yêu cầu ngày càng tăng của khối lượng công việc ĐKKD cũng như những hạn chế của quy định cũ, ngày 26/11/2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014 [16] được Quốc Hội thông qua. Vớiviệc Luật Doanh nghiệp năm 2014 được thông qua, các quy định pháp luật đối với hoạt động ĐKKD có nhiều thay đổi cần được đưa ra xem xét và kiến giải.
Hiện nay việc thực thi pháp luật về ĐKKD doanh nghiệp nói chung có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Cụ thể là: Hệ thống văn bản pháp luật về ĐKDN chưa đồng bộ; có nhiều chủ thể có thẩm quyền thành lập và đăng ký các loại hình doanh nghiệp khác nhau; có sự chồng chéo trong quản lý đối với ĐKDN giữa các loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đối với ĐKDN còn nhiều tồn tại. Chính vì vậy việc thực thi pháp luật đối với ĐKDN đã và đang gặp rất nhiều khó khăn với nhiều lý do cả khách quan và chủ quan. Thực tế hiện nay tình trạng doanh nghiệp vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp (không chấp hành các nội dung trong hồ sơ ĐKDN, không chấp hành các nghĩa vụ theo quy định, đặc biệt là nghĩa vụ báo cáo…) có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ vi phạm. Quan ngại hơn cả chính tình trạng này là điều kiện, cơ hội cho các cá nhân, doanh nghiệp tổ chức lợi dụng vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của các cá nhân, tổ chức và toàn thể xã hội và làm đau đầu các cơ quan QLNN. TP Hà Nội là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của cả nước; phát triển với nhịp độ tăng trưởng cao, đã và đang hội nhập vào nền kinh tế khu vực ASEAN và toàn cầu. Với xu thế phát triển đó, nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, với mong muốn nhanh chóng gia nhập thị trường là điều tất yếu khách quan. Hiện nay cộng đồng doanh nghiệp thủ đô Hà Nội với số lượng rất lớn, khoảng hơn 130.000 doanh nghiệp. Tại địa bàn TP Hà Nội đã tồn tại tình trạng các doanh nghiệp “ma”, “mất tích”, bỏ trốn khỏi địa chỉ ĐKKD; nhiều đối tượng đã lợi dụng việc thủ tục thông thoáng để đăng ký thành lập doanh nghiệp, lấy tư cách pháp nhân của doanh nghiệp để hoạt động vi phạm pháp luật. Bên cạnh những thuận lợi trong công tác thực thi pháp luật doanh nghiệp của các cơ quan QLNN TP Hà Nội thì hiện nay việc thực thi pháp luật của Sở KH&ĐT TP Hà Nội đối với ĐKDN theo Luật doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều tồn tại, vướng mắc rất cấp thiết phải được hoàn thiện.
Nhìn từ phía cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, đa số có ý kiến là hiện nay quy định về công tác ĐKDN còn chưa được tuyên truyền phổ biến rộng rãi; chưa có được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan QLNN về ĐKDN; doanh nghiệp có lúc còn bị phiền hà, sách nhiễu, công tác hỗ trợ doanh nghiệp chưa được quan tâm. Chính điều đó cũng đã và đang gây cản trở cho sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội Thủ đô Hà Nội. Hiện nay chính quyền TP Hà Nội đang yêu cầu các cơ quan QLNN nâng cao hiệu quả công tác CCHC, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), do đó cơ quan quản lý phải luôn tích cực chủ động đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật đối với doanh nghiệp và ĐKDN.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng thành lập, gia nhập thị trường, hạn chế doanh nghiệp vi phạm Luật doanh nghiệp, hướng tới mục đích đảm bảo sự phát triển bền vững của cộng đồng của doanh nghiệp, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội, việc nghiên cứu công tác thực thi pháp luật ĐKKD trên địa bàn TP Hà Nội để tìm ra những ưu điểm, hạn chế của pháp luật cũng như việc thực thi pháp luật của Sở KH&ĐT TP Hà Nội đối với ĐKDN với mục đích hoàn thiện pháp luật tăng cường hiệu quả việc thực thi có vai trò vô cùng quan trọng, mang tính cấp thiết. Xuất phát từ các lý do nêu trên, là cán bộ đang công tác tại Phòng ĐKKD số 2 – Sở KH&ĐT TP Hà Nội, tôi chọn nghiên cứu đề tài: “Thực thi pháp luật về đăng ký kinh doanh trên địa bàn Hà Nội” để làm đề tài luận văn thạc sỹ luật kinh tế.