LA32.030_Thực hiện pháp luật về quyền chính trị đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Từ việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn việc thực hiện pháp luật về quyền chính trị đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay, luận án luận giải, xác định các quan điểm và giải pháp đảm bảo thực hiện pháp luật về quyền chính trị đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện được mục đích nêu trên, luận án thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là, phân tích, làm rõ khái niệm quyền chính trị, pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ; Chủ thể, nội dung, hình thức, vai trò, các yếu tố bảo đảm THPL vềquyền chính trị đối với phụ nữ; rút ra những gợi mở đối với Việt Nam từ nghiên cứu kinh nghiệm THPL về quyền chính trị đối với phụ nữ một số nước thế giới.
Hai là, phân tích chỉ ra những kết quả, hạn chế, nguyên nhân của kết quả, hạn chế của pháp luật và thực hiện pháp luật về quyền chính trị đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
Ba là, luận giải, xác định các quan điểm và đề xuất các giải pháp bảo đảm thực thực hiện pháp luật về quyền chính trị đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Dưới góc độ lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật, luận án nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật và thực hiện pháp luật về quyền chính trị đối với phụ nữ. Từ đó, luận án luận chứng những cơ sở khoa học và đề xuất các quan điểm, giải pháp đảm bảo THPL về quyền chính trị đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
– Phạm vi nội dung: Nghiên cứu việc THPL về quyền chính trị đối với phụ nữ ở Việt Nam.
– Phạm vi không gian: Nghiên cứu trên lãnh thổ Việt Nam.
– Phạm vi thời gian: Nghiên cứu pháp luật và THPL về quyền chính trị đối với phụ nữ từ năm 1945 đến nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
Luận án được nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, về quyền con người, quyền công dân; chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về bình đẳng giới và quyền chính trị của phụ nữ, về giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát huy nhân tố con người; bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền chính trị của phụ nữ trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay; lý luận về thực hiện pháp luật nói chung và lý luận về thực hiện pháp luật về quyền con người, quyền của phụ nữ nói riêng.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong Chương 1, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu tư liệu thứ cấp, phân tích và tổng hợp được sử dụng để thu thập thông tin từ các nguồn có sẵn liên quan đến đề tài nghiên cứu THPL về quyền chính trị đối với phụ nữ ở nước ta hiện nay.
Trong Chương 2, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích, đánh giá để xây dựng các khái niệm; phương pháp phân tích, tổng hợp dùng để nghiên cứu chủ thể, nội dung, hình thức và các yếu tố bảo đảm THPL về quyền chính trị đối với phụ nữ ở nước ta hiện nay; phương pháp luật học so sánh được sử dụng để tham chiếu giữa các chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm về THPL về quyền chính trị của đối với phụ nữ ở một số nước trên thế giới và những giá trị có thể tham khảo đối với Việt Nam.
Trong Chương 3, tác giả sử dụng phương pháp thống kê, nhằm đánh giá việc THPL về quyền chính trị đối với phụ nữ ở nước ta hiện nay, đồng thời đánh giá, phân tích những kết quả, hạn chế, nguyên nhân của những kết quả, hạn chế, từ đó tác giả làm sáng tỏ nội dung của Luận án.
Trong Chương 4, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp để đưa ra các quan điểm, giải pháp có căn cứ khoa học góp phần bảo đảm THPL vềquyền chính trị đối với phụ nữ ở nước ta hiện nay.
5. Những điểm mới của luận án
5.1. Về phương diện lý luận
Luận án là công trình nghiên cứu đầu tiên một cách toàn diện về thực hiện pháp luật về quyền chính trị đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay nên có những đóng góp mới vềmặt lý luận sau:
– Luận án đã xây dựng được khái niệm, làm rõ chủ thể, nội dung, hình thức, vai trò và các yếu tố đảm bảo THPL về quyền chính trị đối với phụ nữ.
– Từ nghiên cứu các chuẩn mực quốc tế về quyền chính trị của phụ nữ, kinh nghiệm THPL về quyền chính trị đối với phụ nữ của một số nước trên thế giới, rút ra những gợi mở đối với Việt Nam.
5.1. Về phương diện thực tiễn
– Luận án là công trình đầu tiên đánh giá rõ thực trạng pháp luật và THPL về quyền chính trị của phụ nữ, phân tích chỉ ra những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của ưu điểm, hạn chế trong thực hiện pháp luật về quyền chính trị đối với phụ nữ ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay.
– Luận án luận chứng các quan điểm, đề xuất các giải pháp bảo đảm THPL về quyền chính trị đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
– Luận án góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về thực hiện pháp luật về quyền chính trị đối với phụ nữ ở Việt Nam, luận án là tài liệu tham khảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật về quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam.
– Luận án cung cấp luận cứ khoa học và tài liệu cho các cơ quan trong hệ thống chính trị (HTCT), các tổ chức xã hội thực hiện giáo dục nâng cao ý thức pháp luật, tổ chức THPL về quyền chính trị đối với phụ nữ ở Việt Nam.
– Luận án được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu giảng dạy, học tập về pháp luật về quyền con người nói chung, pháp luật về quyền của phụ nữ nói riêng trong các cơ sở đạo tạo chuyên luật và không chuyên luật.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận án gồm 04 chương, 09 tiết.