ThS31_011_Thực hiện chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường thcs tỉnh tuyên quang
1. Lý do chọn đề tài
Giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế của đất nước, là phương sách hàng đầu để kiến quốc lâu dài và có hiệu quả. Chính vì vậy Đảng và Nhà nước ta đã xác định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Ngày nay, trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường, giáo dục sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức to lớn để đáp ứng những yêu cầu của xã hội. Do vậy dạy học không chỉ đơn thuần là cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng môn học mà theo UNESCO đã chỉ ra bản chất của dạy học hiện đại: học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để làm người. Theo quan điểm này chất lượng giáo dục không chỉ chú trọng đến thành tích học tập mà quan trọng là phải trang bị cho người học kỹ năng sống và năng lực hoạt động xã hội để họ có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Muốn vậy, quá trình giáo dục phải được diễn ra bằng nhiều con đường, nhiều phương thức và nhiều hoạt động. Chính thông qua hoạt động, nhân cách con người được hình thành và phát triển toàn diện. Trong nhà trường có hai hệ thống giáo dục cơ bản: một là các hoạt động giáo dục trong hệ thống các môn học cơ bản, hai là hoạt động giáo dục ngoài hệ thống các môn học. Giáo dục của nhà trường chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự phối hợp hài hoà cả hai hệ thống giáo dục trên. Đây cũng chính là lý do khiến giáo dục không chỉ bó hẹp trong không gian lớp học mà còn mở rộng trong các không gian với các hoạt động tương ứng.
Ở các trường phổ thông, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (HĐGDNGLL) là một trong những hoạt động đặc trưng, nó là nơi thể nghiệm, vận dụng và củng cố tri thức trên lớp, là cơ hội để học sinh tự bộc lộ nhân cách và tự khẳng định vị trí của mình, là môi trường nuôi dưỡng và phát triển tính chủ thể của học sinh và cũng là dịp tốt để thu hút cả ba lực lượng giáo dục cùng tham gia. Do vậy, việc tổ chức HĐGDNGLL một mặt nâng cao hiệu quả giáo dục mặt khác giúp học sinh dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo đáp ứng với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước, hội nhập với sự phát triển kinh tế của khu vực và quốc tế.
Lứa tuổi học sinh trung học cơ sở (THCS) là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ sang tuổi trưởng thành. Ở lứa tuổi này, có sự phát triển mạnh mẽ nhưng thiếu cân đối về các mặt sinh lý, trí tuệ, đạo đức. Hoạt động giao tiếp của học sinh THCS rất phát triển, các em có nhu cầu cao về giao tiếp với bạn bè, có nguyện vọng được sống và hoạt động trong tập thể. Đặc biệt trong quan hệ giao tiếp với người lớn, các em mong muốn có được vị trí bình đẳng và được tôn trọng.
Ngoài những đặc điểm chung của học sinh THCS, thì đối với học sinh THCS miền núi tỉnh Tuyên Quang còn có những đặc điểm riêng: phần lớn các em còn rụt rè, nhút nhát, ngại hoạt động, hạn chế về giao tiếp, thiếu kỹ năng sống và cách ứng xử với mọi người… Vì vậy, HĐGDNGLL lại càng trở nên cần thiết đối với các em. HĐGDNGLL vừa giúp các em tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng nhu cầu học tập, giao tiếp lại vừa là con đường phát triển hài hoà cân đối về mọi mặt trong quá trình phát triển nhân cách.
Trong thực tiễn, chất lượng tổ chức và thực hiện chương trình HĐGDNGLL ở trường THCS nói chung và ở trường THCS thuộc khu vực miền núi nói riêng còn nhiều bất cập. Trong quá trình dạy học và đánh giá phần lớn giáo viên chú trọng trang bị cho học sinh những tri thức các môn học cơ bản, ít chú trọng tới môn học HĐGDNGLL. Do vậy, việc thực hiện chương trình môn học này còn mang tính hình thức, thiếu sinh động, sáng tạo, không gắn kết với chương trình các môn học cơ bản cho nên chưa phát huy được hết vai trò bổ trợ, củng cố và mở rộng tri thức cho các môn học cơ bản
nhằm hình thành những phẩm chất nhân cách toàn diện cho học sinh của con người mới. Xuất phát từ những lý do trên chúng tôi chọn vấn đề “Thực hiện chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường trung học cơ sở tỉnh Tuyên Quang” làm đề tài nghiên cứu