LA03.079_Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam
2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1 Mục tiêu nghiên cứu của luận án
2.1.1 Mục tiêu tổng quát
Luận giải rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đánh giá khách quan thực trạng thu hút FDI trên quan điểm định hướng phát triển bền vững tại Việt Nam; đề xuất định hướng và giải pháp thu hút các dự án FDI theo định hướng phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.
2.1.2 Các mục tiêu cụ thể
Để đạt được mục tiêu tổng quát của luận án, đề tài đặt ra các mục tiêu nghiên cứu cụ thể sau:
Thứ nhất, hệ thống hóa cơ sở lý luận về PTBV, thu hút FDI và thu hút FDI theo định hướng PTBV; xây dựng khung lý thuyết cho việc phân tích, đánh giá dòng vốn FDI theo định hướng phát triển bền vững tại Việt Nam;
Thứ hai, nghiên cứu kinh nghiệm thu hút FDI tại một số quốc gia như Trung Quốc và Thái Lan là những quốc gia láng giềng với một số đặc điểm về địa lý, kinh tế, chính trị tương đồng.
Thứ ba, đánh giá khách quan thực trạng FDI tại Việt Nam trong thời gian qua trên hai góc độ: những kết quả đạt được và những hạn chế đang tồn tại; các tác động của FDI tới Việt Nam xét theo các khía cạnh của phát triển bền vững; Luận án chỉ rõ nguyên nhân tồn tại hạn chế hiệu quả thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam.
Thứ tư, trên cơ sở phân tích những hạn chế trong việc thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam, luận án đề xuất giải pháp thu hút FDI tại Việt Nam theo định hướng phát triển bền vững.
2.2 Câu hỏi nghiên cứu
Luận án nhằm trả lời các câu hỏi nghiên cứu dưới đây:
– Thế nào là thu hút FDI theo định hướng PTBV? Thu hút FDI theo định hướng PTBV cần được đánh giá, xem xét ở các khía cạnh nào?
– Để thu hút FDI theo định hướng PTBV, cần thực hiện những giải pháp gì và như thế nào?
– Thực trạng thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam thời gian qua trên quan điểm PTBV đã đạt được những thành tựu gì và còn tồn tại những hạn chế gì?
– Giải pháp nào để các cơ quan quản lý nhà nước cải thiện tình hình thu hút FDI theo định hướng PTBV tại Việt Nam trong thời gian tới?
3. Đối tượng và giới hạn phạm vi nghiên cứu của đề tài luận án
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài luận án: đối tượng nghiên cứu của luận án là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên quan điểm phát triển bền vững tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2006 đến 2016.
3.2 Giới hạn phạm vi nghiên cứu đề tài
+) Về nội dung: Luận án sẽ tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của FDI tới PTBV tại Việt Nam xét theo các trụ cột chính: kinh tế, xã hội, và môi trường. Ở trụ cột “kinh tế”, luận án xem xét ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của FDI tới phát triển kinh tế. Ở trụ cột “xã hội”, do hạn chế về số liệu thống kê và thời gian nghiên cứu, luận án chỉ tập trung xem xét ảnh hưởng của FDI tới vấn đề lao động, tiền lương. Ở trụ cột “môi trường”, luận án phân tích một số tác động tiêu cực của FDI tới môi trường và nguyên nhân hạn chế.
Do hệ thống số liệu thống kê của Việt Nam, một số chỉ tiêu đánh giá thu hút FDI được đề xuất ở phần cơ sở lý luận và thực tiễn (chương 2) sẽ không được đánh giá ở chương 3 (thực trạng), bao gồm:
Tiêu chí đánh giá trụ cột “kinh tế”: Tỷ suất sinh lời của FDI; Tiết kiệm và tăng thu ngoại tệ thuần.
Tiêu chí đánh giá trụ cột “xã hội”: Việc làm gia tăng; Mức độ chuyển giao công nghệ.
Tiêu chí đánh giá trụ cột “môi trường”: Tác động của khu vực FDI đến môi trường là khái niệm rộng, bao gồm nhiều khía cạnh đánh giá khác nhau. Luận án sử dụng thông tin thứ cấp thu thập từ một số nghiên cứu hiện có để đánh giá thực trạng tác động của khu vực FDI tới môi trường tại Việt Nam.
Luận án chỉ ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp để thu hút FDI theo định hướng PTBV tại Việt Nam cho giai đoạn đến năm 2025.
+) Về không gian: Luận án nghiên cứu tình hình chung của FDI theo định hướng PTBV tại Việt Nam, không giới hạn vị trí địa lý vùng miền và lãnh thổ trong Việt Nam.
+) Về thời gian: Luận án nghiên cứu FDI theo định hướng PTBV tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2016.
5. Những đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án đã có một số đóng góp mới về khoa học như sau:
– Đã tổng quan được ở mức độ nhất định các nghiên cứu, cả trong và ngoài nước, có liên quan đến đề tài luận án, từ đó tìm ra được khoảng trống nghiên cứu và xác định những vấn đề cần tập trung nghiên cứu của Luận án;
– Đã hệ thống hóa được một số nội dung liên quan đến cơ sở lý luận chung về thu hút FDI theo định hướng phát triển bền vững, bao gồm khái niệm, nội dung, các tiêu chí đánh giá và các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút FDI theo định hướng phát triển bền vững;
– Bằng các phương pháp nghiên cứu định tính truyền thống, luận án đã tiến hành đánh giá thực trạng thu hút FDI theo định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2006-2016; từ đó chỉ ra được nguyên nhân các hạn chế.
– Trên cơ sở luận giải cơ hội, thách thức đối với thu hút FDI và các mục tiêu thu hút FDI theo định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, luận án đã đề xuất được hệ thống các giải pháp nhằm hoàn thiện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cho những năm tiếp theo.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1 Những đóng góp mới của luận án về mặt lý luận
Hệ thống hóa các vấn đề lý luận cơ bản về thu hút FDI theo định hướng PTBV, đặc biệt phân tích làm rõ những mặt được và chưa được của việc thu hút và sử dụng FDI tại Việt Nam theo quy trình thu hút FDI theo định hướng PTBV đã đề ra.
6.2 Những đóng góp mới của luận án về mặt thực tiễn
Khi phân tích thực trạng thu hút FDI và hiệu quả sử dụng FDI tại Việt Nam thời gian qua, luận án sẽ tìm ra những hạn chế về mặt chính sách cũng như quản lý nhà nước trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả, bền vững dòng vốn FDI. Các khuyến nghị trên cơ sở khoa học và thực tiễn là nguồn đáng tin cậy để các nhà hoạch định chính sách tham khảo, xây dựng và ban hành các giải pháp khả thi.
Đối với các doanh nghiệp khi tham khảo nội dung của luận án sẽ có thêm một “kênh” thông tin để có những quyết định đúng đắn, cũng như sự chủ động đề xuất các dự án FDI phù hợp với các mục tiêu PTBV của Việt Nam thời gian tới.
7. Kết cấu của Luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, các phụ lục và tài liệu tham khảo, luận án có kết cấu gồm 4 chương:
Chương I: Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài theo định hướng phát triển bền vững.
Chương II: Cơ sở lý luận và thực tiễn về đầu tư trực tiếp nước ngoài theo định hướng phát triển bền vững.
Chương III: Thực trạng thu hút FDI trên quan điểm phát triển bền vững tại Việt Nam giai đoạn 2006-2016.
Chương IV: Phương hướng và giải pháp thu hút FDI theo định hướng phát triển bền vững đến năm 2025, tầm nhìn 2030.