LA02.140_Tham nhũng và tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia chuyển đổi
Kết quả và đóng góp mới của luận án
Nghiên cứu thực nghiệm tại các quốc gia chuyển đổi cho ra các kết quả nổi bật sau: (1) việc cải thiện chất lượng thể chế giúp giảm mức độ tham nhũng và tồn tại sự tác động tương hỗ giữa chất lượng thể chế chính trị và thể chếkinh tế trong việc kiểm soát tham nhũng; (2) việc cải thiện thu nhập có tác động tích cực trong việc bài trừ nạn tham nhũng; (3) tồn tại mối quan hệ phi tuyến giữa thu nhập và mức độ tham nhũng tại các quốc gia khảo sát; (4) trong điều kiện chất lượng thể chế kém tại các quốc gia khảo sát, tham nhũng thực sự là chất bôi trơn giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
So với các nghiên cứu trước cùng chủ đề mà tác giả đã tham khảo, luận án có những đóng góp mới như sau:
– Luận án sử dụng đồng thời chất lượng thể chế chính trị và thể chếkinh tế vào trong mô hình định lượng thông qua việc sử dụng hai chỉ số tương đồng về cách đo lường đó là mức độ dân chủ (giá trị từ 0 đến 10) và chỉ số tự do kinh tế (giá trị từ 0 đến 10). Bằng việc ứng dụng các phương pháp ước lượng hiện đại cho bộ dữ liệu bảng của 46 quốc gia có cùng mức độ thu nhập trong giai đoạn 2002 – 2014, tác giả tin rằng kết quả của luận án rất đáng tin cậy và có độ chính xác cao;
– Luận án lần đầu tiên ứng dụng phương pháp định lượng được đềxuất bởi Wooldridge (2012) để xác định tác động riêng phần của từng yếu tố chất lượng thể chế trong mô hình biến tương tác. Từ đó, luận án xác định điểm ngưỡng của mức độ dân chủ và tự do kinh tếtrong việc chống tham nhũng tại các quốc gia khảo sát;
– Luận án lần đầu tiên ứng dụng phương pháp định lượng để kiểm định lý thuyết về hiệu ứng phi tuyến giữa thu nhập và tham nhũng được đề xuất bởi Dzhumashev (2014). Từ kết quả thực nghiệm, luận án xác định giá trị của điểm ngưỡng (điểm chuyển) từ tác động dương sang tác động âm của thu nhập lên tham nhũng để so sánh với kết quả thực nghiệm của Saha & ctg (2013);
– Luận án lần đầu tiên phân tích định lượng bằng phương pháp GMM để kiểm định giả thuyết chất bôi trơn của tham nhũng trong điều kiện chất lượng thể chế kém tại các quốc gia khảo sát;
– Chủ đề nghiên cứu tuy có sự tương đồng với một vài nghiên cứu trên thế giới, tuy nhiên, mẫu khảo sát được tác giả thu thập gồm 46 các quốc gia có cùng nhóm thu nhập và mục tiêu nghiên cứu của luận án là không trùng lắp với các nghiên cứu đã có.
Kết cấu của luận án
Nội dung của luận án được tác giả trình bày trong 6 chương, ngoài chương 1 đã giới thiệu tổng quan về sự cần thiết cũng như mục tiêu nghiên cứu, 5 chương còn lại của luận án được thiết kế như sau:
Chương 2: Khung lý thuyết các yếu tố tác động đến tham nhũng.
Trong chương này luận án trình bày khung lý thuyết để giải thích nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tham nhũng từ các tài liệu trước đây. Khung lý thuyết chủ đạo mà nghiên cứu này dựa vào để lý giải cho hiện tượng tham nhũng bao gồm lý thuyết lựa chọn công và lý thuyết lựa chọn giữa thất bại của thị trường và tham nhũng. Bên cạnh đó, luận án cũng đã tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm trước đây để xác định các yếu tố định lượng nhằm xây dựng mô hình thực nghiệm về các yếu tố tác động đến tham nhũng tại các quốc gia chuyển đổi.
Chương 3: Khung lý thuyết tăng trưởng kinh tế.
Chương này dẫn giải cho người đọc thấy được sự kết hợp giữa lý thuyết tăng trưởng nội sinh của Barro (1990) và hàm tăng trưởng Cobb – Douglas. Từ đó, luận án đã ứng dụng mô hình tăng trưởng để mở rộng cho các yếu về thể chế và tham nhũng. Tiếp theo, luận án tổng hợp các kênh truyền dẫn sự tác động của tham nhũng đến tăng trưởng thông qua việc lược khảo các nghiên cứu thực nghiệm trước đây. Cuối cùng, chương này cũng đã tổng hợp các nghiên cứu thực nghiệm trước đây để cho thấy kết quả của các nghiên cứu này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Đó cũng là lý do quan trọng để luận án này tiến hành thực nghiệm tác động của tham nhũng đến tăng trưởng dưới vai trò của chất lượng thể chế tại các quốc gia chuyển đổi.
Chương 4: Mô hình và phương pháp nghiên cứu.
Xuất phát từ khung lý thuyết trong chương 2 và chương 3, cùng với việc kế thừa các mô hình thực nghiệm của các nghiên cứu trước đây, chương này sẽ xây dựng các mô hình thực nghiệm của luận án, bao gồm: mô hình các yếu tố tác động đến tham nhũng và mô hình tác động của tham nhũng đến tăng trưởng. Điểm nổi bật của chương này là đã trình bày chi tiết các bước tiến hành và phương pháp ước lượng để nhằm tìm kiếm bằng chứng cho các mục tiêu nghiên cứu của luận án. Cuối cùng, việc đo lường biến và nguồn khai thác dữ liệu cũng đã được trình bày chi tiết trong chương này.
Chương 5: Kết quả nghiên cứu và thảo luận.
Dựa vào mô hình thực nghiệm và dữ liệu thu thập của 46 quốc gia chuyển đổi, tác giả sử dụng công cụ hỗ trợ là phần mềm Stata 13.0 để thực hiện các kiểm định và ước lượng hệ số hồi quy các biến trong mô hình. Sau đó, tác giả thảo luận kết quả thực nghiệm dựa trên nền tảng lý thuyết nghiên cứu và đối chiếu với các nghiên cứu trước đây nhằm luận giải kết quả một cách logic và thuyết phục. Kết quả này cung cấp các minh chứng giúp trả lời các câu hỏi nghiên cứu của luận án.
Chương 6: Kết luận và hàm ý chính sách.
Chương này đã tóm lược lại các kết quả thực nghiệm chính gắn với mục tiêu nghiên cứu của luận án. Từ đó, luận án đưa ra một số các hàm ý về mặt chính sách nhằm kiểm soát các hành vi tham nhũng và các giải pháp cho tăng trưởng kinh tế lành mạnh (không dựa vào tham nhũng). Tác giả tin rằng các gợi ý này có thể cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách khi thực hiện các giải pháp chống tham nhũng. Đồng thời, chương này cũng nhìn nhận một số các hạn chế mà luận án chưa thể giải quyết được. Đây cũng là chương cuối cùng của luận án.