LA02.217_Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn
3. Mục tiêu nghiên cứu
3.1. Về khía cạnh lý luận
– Làm rõ cơ sở lý luận về tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn. Theo đó, nhấn mạnh vai trò của tín dụng ngân hàng đối với DNNVV, phân tích sự cần thiết phải mở rộng hoạt động này trong nền kinh tế khó khăn cũng như các yếu tố ảnh hưởng và một số chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng tín dụng ngân hàng cho DNNVV.
– Đúc kết những bài học phù hợp nhất cho việc tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia Đài Loan, Hàn Quốc và Ireland, đặc biệt khi các quốc gia này ở trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn.
3.2. Về khía cạnh thực tiễn
– Phân tích tác động của kinh tế vĩ mô bất ổn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV Việt Nam, các chính sách của chính phủ về tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn
– Nghiên cứu định tính, định lượng và đánh giá thực trạng tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn tại Việt Nam
– Đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng ngân hàng dành cho DNNVV Việt Nam trong điều kiện kinh tễ vĩ mô mất ổn định.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
– Đối tượng nghiên cứu: Luận án tập trung nghiên cứu về tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn.
– Phạm vi nghiên cứu:
Về không gian: Luận án chủ yếu tập trung nghiên cứu vấn đề tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV tại các NHTMNN và NHTMCP.
Về thời gian nghiên cứu: Luận án nghiên cứu về tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với DNNVV tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô Việt Nam tồn tại nhiều bất ổn trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2013. Đây là giai đoạn hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng đối với DNNVV nói riêng chịu những tác động không nhỏ từ những ảnh hưởng của môi trường vĩ mô bất ổn.
Đồng thời luận án đề xuất định hướng và giải pháp tăng trưởng tín dụng ngân hàng đến năm 2020.
5. Phương pháp nghiên cứu
Ngoài phương pháp triết học biện chứng và duy vật lịch sử thường được áp dụng trong các công trình nghiên cứu nói chung, nghiên cứu sinh sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích, thống kê để xử lý số liệu, kết hợp với đồ thị, bảng, biểu minh họa để làm tăng tính trực quan cho công trình.
Để làm tăng tính thuyết phục cho các nhận định, nghiên cứu sinh đã đưa vào nghiên cứu của mình một số mô hình kinh tế lượng. Cụ thể, để minh chứng cho khả năng tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV, đề tài sử dụng mô hình kinh tế lượng nghiên cứu về tăng trưởng tín dụng gắn với những đặc điểm của đối tượng DNNVV.
Nhằm kiểm tra các giả thuyết về vốn tín dụng ngân hàng cho các DNNVV, tác giả xây dựng mô hình hồi quy giữa các biến phụ thuộc là mức độ vốn vay ngân hàng. Các biến độc lập tác động tới tỷ trọng vốn vay ngân hàng của DNNVV trong mẫu bao gồm quy mô, khả năng sinh lời, tỷ lệ tài sản cố định hữu hình, tính thanh khoản, tấm chắn thuế phi nợ, và các biến giả đại diện cho ngành nghề kinh doanh.
6. Những đóng góp mới của luận án
Trước hết, luận án đã làm rõ cơ sở khoa học về DNNVV và tín dụng ngân hàng dành cho các doanh nghiệp này. Thông qua việc phân tích kỹ các cuộc khủng hoảng trên thế giới, luận án đã đưa ra dấu hiệu của một nền kinh tế vĩ mô bất ổn, từ đó gắn việc tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV vào bối cảnh này. Đồng thời, luận án đã nghiên cứu kinh nghiệm của Đài Loan, Hàn Quốc và Ireland về tăng trưởng tín dụng ngân hàng cho DNNVV khi các nước này cũng phải đối mặt với tình trạng kinh tế vĩ mô bất ổn nhằm rút ra một số bài học kinh nghiệm cho các NHTM và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng của Việt Nam.
Thông qua những phân tích thực tiễn, tác giả đã tập trung đánh giá một cách tổng thể thực trạng tăng trưởng tín dụng đối với đối tượng DNNVV trong thời gian qua theo nhiều cách tiếp cận, bao gồm cách tiếp cận định tính và định lượng. Nghiên cứu định lượng về khả năng tăng trưởng tín dụng cho DNNVV Việt Nam khi nền kinh tế mất ổn định được sử dụng làm cơ sở để đưa ra những giải pháp phù hợp nhất với điều kiện hiện tại của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu về mặt định lượng cho thấy hệ thống DNNVV phải đối mặt với rủi ro tài chính khá lớn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô bất ổn, khi lợi nhuận tạo ra giảm sút trong khi chi phí lãi vay tăng cao.
Trên cơ sở định hướng phát triển DNNVV tại Việt Nam, định hướng tăng trưởng tín dụng đối với DNNVV từ phía NHNN cũng như từ phía các NHTM và những tồn tại đã được chỉ ra, luận án đã xây dựng một hệ thống các giải pháp được chia thành hai nhóm: (i) Nhóm giải pháp mang tính chiến lược và (ii) Nhóm giải pháp cụ thể cho việc tăng trưởng tín dụng cho DNNVV trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn. Đây là hướng tiếp cận tương đối mới và gắn liền với thực tiễn của luận án.
7. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận án được kết cấu thành ba chương:
– Chương 1: Luận cứ khoa học về tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn
– Chương 2: Thực trạng tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn
– Chương 3: Giải pháp về tăng trưởng tín dụng ngân hàng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế vĩ mô bất ổn.