LA02.226_Tác động của tín dụng vi mô đối với thu nhập của các hộ nghèo ở khu vực Đông Nam Bộ
Tín dụng vi mô (TDVM) TDVM ngày càng khẳng định là công cụ quan trọng trong công tác giảm nghèo. Với sự khởi xướng của giáo sư kinh tếMuhammad Yunus, đến nay mô hình hoạt động của tín dụng vi mô đang ngày càng được nhân rộng trên toàn thế giới. Đối với các quốc gia đang phát triển, hoạt động của các tổ chức TCVM trong đó hoạt động tín dụng vi mô ngày càng đóng vai trò chủ lực thực hiện các chính sách giảm nghèo, giúp người nghèo giải quyết các vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Tuy vẫn còn nhiều tranh luận trái chiều về tính hiệu quả của nó, song trong ngắn hạn tín dụng vi mô đã giúp cho các hộ nghèo vượt qua được cú sốc, các khó khăn và làm giảm các tổn thương trong cuộc sống hàng ngày.
Bằng nghiên cứu này, tín dụng vi mô được khẳng định có sự tác động đến thu nhập của các hộ nghèo tại khu vực Đông Nam Bộ. Thông qua các phân tích kiểm định thống kê với mô hình hồi quy tuyến tính đa biến và hồi quy Binary Logistic, nghiên cứu tiến hành thu thập thông tin của 600 mẫu quan sát là các hộ nghèo trong khu vực, kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố TDVM với biến đại diện là quy mô vốn vay tác động tích cực đến thu nhập của hộ nghèo. Bên cạnh đó, đặc điểm của hộ nghèo thông qua yếu tố quy mô lao động tác động đến nguồn thu nhập của hộ. Ngoài yếu tố DVM và đặc điểm của hộ nghèo góp phần làm tăng thu nhập, đặc biệt trong nghiên cứu này luận án đã tìm thấy các chính sách hoạt động phi tài chính góp phần không nhỏ làm cho thu nhập của hộ nghèo tăng lên đáng kể. Đây được xem là yếu tố mới của luận án mang tính thực tiễn trong khu vực nghiên cứu.
Hơn thế nữa, nghiên cứu đã tìm thấy có sự tương quan giữa thu nhập với khả năng tiếp cận TDVM của các hộ nghèo, nâng cao tiếp cận tín dụng vi mô góp phần cải thiện thu nhập cho hộ là một trong những mục tiêu nghiên cứu của luận án đã đặt ra cần phải làm sáng tỏ và mô hình hồi quy Binary Logistic đã chứng minh giả định này. Kết quả nghiên cứu của mô hình hồi quy Binary Logistic cho biết, nhân tố vốn xã hội, tần suất tham gia vốn xã hội, thu nhập và vị trí địa lý nhà ở của hộ gia đình tác động đến khả năng tiếp cận TDVM của các hộ nghèo. Các giả định vềkhả năng tiếp cận được phân tích kỹ trong phần kiểm định của kết quả nghiên cứu.
Từ đây, các giải pháp nâng cao thu nhập thông qua việc nâng cao tiếp cận TDVM được gợi mở và đề xuất. Tuy nhiên, việc thay đổi thu nhập của một cá nhân, một hộ gia đình hay một tổ chức còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác có liên quan, những yếu tố này được trình bày chi tiết trong phần hạn chế của luận án. Do vậy, trong nghiên cứu này tác giả không tham vọng sẽ bao quát hết các vấn đề nội tại nảy sinh liên quan đến sự thay đổi nguồn thu nhập của một cá nhân hay một hộ gia đình, mà các yếu tố này sẽ là một trong những thách thức mới, một động lực mới khơi dậy khả năng tìm tòi cho các nghiên cứu tiếp theo.