LA02.058_Tác động của phân cấp tài khóa đến tăng trưởng kinh tế tại việt nam
1. Đặt vấn đề nghiên cứu
TỔNG QUAN
Sự can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế là một thực tế khách quan và đã được thừa nhận rộng rãi. Chính phủ có thể dùng chính sách tài khóa để can thiệp vào nền kinh tế bằng các công cụ thuế và chi tiêu công. Keynes (1936) đánh giá cao hệ thống thuế khóa và công trái nhà nước, bởi lẽ đó là các công cụ tạo ra nguồn lực quan trọng cho ngân sách nhà nước (NSNN). Mặt khác, trường phái Keynes cho rằng nhà nước có thể thực hiện các biện pháp tạo ra tổng cầu hiệu quả thông qua các biện pháp kích thích từ chính sách tài khóa.
Trong chính sách tài khóa, việc thực hiện phân cấp tài khóa cho từng cấp chính quyền cũng cần được xem xét thận trọng. Phân cấp tài khóa nghĩa là thực hiện chuyển một phần quyền lực của chính quyền cấp trên cho chính quyền cấp dưới. Đây thuộc một phần trong nhóm giải pháp cải cách khu vực công nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các cấp chính quyền trong việc cung ứng hàng hóa công tối ưu cho xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Bahl & Linn, 1992; Bird & Wallich, 1993).
Ở Việt Nam, kể từ khi tiến hành chính sách Đổi Mới kinh tế năm 1986, đặc biệt sau khi có Luật NSNN năm 1996 và sửa đổi năm 2002, Chính phủ đã tiến hành cải cách chính sách tài khóa sâu rộng, và đổi mới phân cấp quản lý tài khóa với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động của phân cấp quản lý tài khóa tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam hiện vẫn chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo.
Liệu phân cấp tài khóa có tạo quyền chủ động cho chính quyền địa phương trong phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội hay không? Liệu phân cấp tài khóa có phải là một trong những yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời gian qua hay không?