LA02.131_Tác động của nợ công và lạm phát lên tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển
2. Mục tiêu nghiên cứu
Thông qua việc xác định khoảng trống nghiên cứu trên, để đánh giá tác động của nợ công và lạm phát lên tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển trong giai đoạn 1990-2014, đề tài sẽ hướng đến hai mục tiêu sau:
(1) Làm rõ mối quan hệ giữa nợ công và lạm phát cho các nước đang phát triển.
(2) Đánh giá thực nghiệm tác động của nợ công, lạm phát, và tương tác của chúng lên tăng trưởng kinh tế cho các nước này.
3. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành được mục tiêu nghiên cứu của luận án, đề tài sẽ phải tiến hành phân tích và thực hiện được ba nội dung sau:
– Làm rõ mối quan hệ giữa nợ công và lạm phát cho các nước đang phát triển trong mô hình nghiên cứu.
– Đánh giá thực nghiệm các tác động của nợ công, lạm phát, và tương tác của chúng lên tăng trưởng kinh tế ở các nước này.
– So sánh các tác động này cho ba mẫu nghiên cứu: tổng thể (60 quốc gia đang phát triển), Châu Á (22 quốc gia) và Châu Phi (27 quốc gia).
Phương pháp ước lượng được sử dụng là GMM sai phân dữ liệu bảng ArellanoBond với ưu điểm là xử lí được hiện tượng tự tương quan chuỗi (thông qua kiểm định Arellano-Bond test) và hiện tượng nội sinh (thông qua kiểm định Sargan test). Mô tả cụ thể và chi tiết cho phương pháp nghiên cứu được trình bày ở Chương 3.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: mối quan hệ giữa nợ công và lạm phát; tác động của nợ công, lạm phát, và tương tác của chúng lên tăng trưởng kinh tế cho các nước đang phát triển ở Châu Á, Mỹ Latin, và Châu Phi trong giai đoạn 1990 – 2014 với các biến kiểm soát như đầu tư tư nhân, lực lượng lao động, nguồn thu chính phủ, cơ sở hạ tầng, và độ mở thương mại.
Phạm vi nghiên cứu: nghiên cứu được giới hạn cho mẫu nghiên cứu gồm 60 quốc gia đang phát triển ở ba châu lục (22 ở Châu Á, 11 ở Mỹ Latin, và 27 ở Châu Phi) trong giai đoạn 1990 – 2014.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Ý nghĩa khoa học
Hầu hết các nghiên cứu trước đây đánh giá hoặc tác động của nợ công lên tăng trưởng hoặc của lạm phát lên tăng trưởng. Các nghiên cứu đánh giá các tác động đồng thời của nợ công và lạm phát lên tăng trưởng kinh tế là khá ít, đặc biệt là việc xem xét ảnh hưởng của biến tương tác giữa hai biến vĩ mô này lên tăng trưởng kinh tế vẫn chưa ai thực hiện. Do vậy, hướng nghiên cứu này đóng góp có ý nghĩa khoa học cho lĩnh vực nghiên cứu về chủ đề này. Ngoài ra, các kết quả đến từ việc phân tích và đánh giá thực nghiệm của luận án còn đóng góp vào việc nghiên cứu mang tính học thuật cho một quốc gia cụ thể như Việt Nam và các nước đang phát triển khác, và có thể sử dụng cho việc nghiên cứu có liên quan sau này.
Ý nghĩa thực tiễn
Việc kết hợp cả hai vấn đề này (nợ công và lạm phát), đặc biệt có tính đến tác động của tương tác giữa hai biến nợ công và lạm phát trong cùng một nghiên cứu sẽ giúp cho việc đề xuất các khuyến nghị liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các chính phủ ở các nước đang phát triển trở nên thực tiễn hơn và có ý nghĩa tổng thể bởi lẻ việc điều hành chính sách vĩ mô của chính phủ còn bao gồm cả sự kết hợp chặt chẽ và hợp lý giữa nợ công và lạm phát.
Thông qua kỹ thuật định lượng phù hợp, có độ tin cậy dựa trên các đặc điểm của bộ dữ liệu nghiên cứu, kết quả phân tích và đánh giá thực nghiệm của đề tài sẽ được sử dụng để đưa ra các đề xuất hợp lý hơn, giúp cho các nhà làm chính sách của chính phủ có thêm cơ sở để việc điều hành các chính sách vĩ mô phù hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao mức sống của người dân và tạo nhiều việc làm. Ngoài ra, nghiên cứu này có thể đưa ra những phát hiện mới mang tính khoa học về tác động đồng thời của nợ công và lạm phát, đặc biệt là biến tương tác giữa hai biến này lên tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển. Điều này hình thành nên các cơ sở lý luận cơ bản để giúp các nhà quản lý và đặc biệt những người hoạch định chính sách công có cái nhìn khoa học hơn trong việc đưa ra các quyết sách mang tính chiến lược nhằm phát triển kinh tế mang tính bền vững, tránh được khủng hoảng nợ công, và đảm bảo cuộc sống ổn định của người dân.
Ngoài ra, việc thực hiện thành công chủ đề nghiên cứu này cũng góp phần hình thành nền tảng nghiên cứu cho các nghiên cứu tương tự sau này cho riêng Việt Nam, giúp định hình các gợi ý chính sách cho chính phủ Việt Nam liên quan đến vấn đề nợ công và lạm phát có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
6. Bố cục của luận án
Ngoài phần mở đầu thì cấu trúc của luận án được xác định như sau:
Chương 1 trình bày cơ sở lý thuyết về nợ công, lạm phát, ảnh hưởng của lạm phát lên nợ công và khung phân tích lý thuyết nợ công, lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Chương 2 là tổng quan về mối quan hệ giữa nợ công và lạm phát; tác động của nợ công và lạm phát lên tăng trưởng kinh tế. Phần này được trình bày dưới dạng phân tích và tổng hợp từ các nghiên cứu có liên quan trước đây.
Chương 3 mô tả mô hình thực nghiệm và các phương pháp nghiên cứu trong đó xác định khung phân tích thực nghiệm của mô hình, mô hình thực nghiệm, phương pháp ước lượng và dữ liệu nghiên cứu.
Chương 4 là kết quả thực nghiệm tác động của nợ công lên lạm phát cho các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi, và Mỹ Latin trong giai đoạn 1990-2014.
Chương 5 nêu bật kết quả thực nghiệm tác động của nợ công, lạm phát, và tương tác của chúng lên tăng trưởng kinh tế cho các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi, và Mỹ Latin trong giai đoạn 1990-2014.
Phần kết luận và hàm ý chính sách. Phần này xác định lại những phát hiện của đề tài nghiên cứu và các khuyến nghị được đưa ra cho các chính sách có liên quan. Ngoài ra, hạn chế của luận án và các hướng nghiên cứu trong tương lai cũng được đề cập.