LA03.072_Tác động của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tới năng lực quản lý của cán bộ, công chức chính quyền cấp xã nghiên cứu tại thành phố Cần Thơ
Chuyên ngành: Quản lý kinh tế (Khoa học quản lý) Mã số: 62340410
Nghiên cứu sinh: Lê Chí Phương Mã NCS:
Người hướng dẫn: 1. PGS, TS Hoàng Văn Hoan; 2. PGS, TS Mai Ngọc Anh
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
1. Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
– Luận án xác định năng lực quản lý của cán bộ, công chức chính quyền cấp xã được xác định bới 3 yếu tố cấu thành là: kiến thức quản lý, kỹ năng quản lý và thái độ/phẩm chất cá nhân; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của chính quyền địa phương cấp tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng bao gồm: xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chính quyền cấp xã; xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng; lựa chọn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; xác định chương trình đào tạo, bồi dưỡng; lựa chọn hình thức và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; chính sách đối với cán bộ, công chức chính quyền cấp xã được đi đào tạo, bồi dưỡng; đánh giá cán bộ, công chức chính quyền cấp xã sau đào tạo, bồi dưỡng; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức chính quyền cấp xã được xác định thông qua 4 mức (hoàn thành xuất sắc/hoàn thành tốt/hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực/không hoàn thành nhiệm vụ) thang đo mức độ hài lòng (quá chán nản/không hài lòng/bình thường/hài lòng/rất hài lòng) của người dân trong việc giải quyết công việc.
– Đánh giá tác động của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của chính quyền địa phương tác động tới năng lực quản lý, tác giả đã tiến hành tổ chức điều tra khảo sát thông qua phiếu hỏi được phát đến cán bộ, công chức các xã/phường, quận/huyện, sở, ngành tại Thành phố Cần Thơ và người dân; cán bộ, công chức và người dân tự điền phiếu, kết quả thu về là 705 phiếu. Qua số liệu khảo sát, làm rõ tác động của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chính quyền cấp xã tới năng lực quản lý của cán bộ, công chức chính quyền cấp xã Thành phố Cần Thơ được phản ánh qua sự phản hồi của cán bộ, công chức chính quyền cấp xã và người dân về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức chính quyền cấp xã và mức độ hài lòng của người dân trong việc giải quyết công việc của cán bộ, công chức chính quyền cấp xã trên địa bàn.
2. Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu
– Kết quả khảo sát được lượng hóa cho thấy, khi chính quyền địa phương xác định đúng nhu cầu, mục tiêu, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chính quyền cấp xã là nhóm có tác động nhất tới năng lực quản lý cán bộ, công chức chính quyền cấp xã; nhóm tiếp theo là công tác đánh giá cán bộ, công chức chính quyền cấp xã sau đào tạo, bồi dưỡng và cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức chính quyền cấp xã; lựa chọn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cũng như lựa chọn hình thức và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được xếp sau cùng.
– Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các yếu tố cấu thành năng lực quản lý ảnh hưởng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã Thành phố Cần Thơ được sắp xếp là: yếu tố kiến thức của cán bộ ảnh hưởng cao nhất tới kết quả làm việc, tiếp theo là yếu tố kỹ năng làm việc; thái độ làm việc ảnh hưởng lớn thứ ba.
– Kết quả nghiên cứu là cơ sở cho việc xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý ch đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã.
– Kết quả nghiên cứu của luận án là một trong những cơ sở để xây dựng hoặc bổ sung thêm các tiêu chí mới trong đánh giá năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã cũng như kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương.