LA15.015_Tác động của cấu trúc vốn tới hoạt động của công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Chuyên ngành: Kinh tế học Mã số: 62310101
Nghiên cứu sinh: Mã NCS:
Người hướng dẫn: 1. PGS.TS. Vũ Kim Dũng 2. PGS.TS. Phạm Thế Anh
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
Dựa trên lý thuyết cấu trúc vốn của Modigliani và Miller (1958 và 1963), lý thuyết đánh đổi, lý thuyết chi phí đại diện, lý thuyết thứ tự ưu tiên, các nghiên cứu thực nghiệm cho kết quả khác nhau về tác động của cấu trúc vốn tới hoạt động của doanh nghiệp. Nghiên cứu này bổ sung các thước đo hoạt động của công ty dựa trên giá trị kế toán và giá trị thị trường, xem xét sự khác biệt giữa nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, nợ vay dài hạn, yếu tố vĩ mô, ngành, quy mô công ty trong bối cảnh Việt Nam. Kết quả nghiên cứu dưới đây cho thấy sự không nhất quán trong các nghiên cứu về cấu trúc vốn và hoạt động của doanh nghiệp tại các nước phát triển cũng như đang phát triển có thể do đặc trưng nội tại môi trường hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, các lý thuyết cơ bản trên vẫn có giá trị trong việc lý giải mối quan hệ cấu trúc vốn và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc phân tích và lý giải phải cần sự thận trọng khi xem xét trong điều kiện cụ thể.
(1) Tỷ lệ nợ trên tài sản có tác động âm với hoạt động của công ty theo giá trị kế toán (ROE, ROA, GM), nhưng tác động dương đối với thước đo theo giá trị thị trường (MBVE, PB). Tỷ lệ nợ ngắn hạn tác động tiêu cực tới ROE, ROA nhưng tỷ lệ nợ dài hạn tác động dương đối với ROE và âm đối với ROA, ROCE. Tỷ lệ nợ vay dài hạn có tác động tích cực tới ROE và giá trị thị trường của doanh nghiệp (PB). Do vậy, trong cơ cấu nợ của doanh nghiệp, việc tăng tỷ lệ nợ vay dài hạn có ý nghĩa nhất giúp nâng cao khả năng sinh lời và giá trị của doanh nghiệp và tỷ lệ nợ ngắn hạn có tác động tiêu cực nhất đối với hoạt động của doanh nghiệp.
(2) Cấu trúc vốn với tỷ trọng nợ cao trong điều kiện bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, việc xác định cấu trúc vốn cần được đặt trong môi trường và bối cảnh cụ thể.
(3) Quy mô công ty có tác động âm đối với các chỉ tiêu ROE, ROA, ROCE, PB cho thấy khả năng sinh lời giảm và thị trường đánh giá thấp tiềm năng tăng trưởng khi quy mô công ty tăng.
(4) Các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường có điều kiện niêm yết cao hơn và tính đại chúng tốt hơn sẽ có giá trị thị trường cao hơn.
(5) Có vấn đề rào cản, điểm nghẽn và môi trường vĩ mô khiến việc mở rộng quy mô công ty có thể làm giảm kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
(6) Điều kiện vĩ mô thực sự có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp.
Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu
Bảo đảm ổn định vĩ mô sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tháo gỡ điểm nghẽn để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khi mở rộng quy mô; phát triển cân đối hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán sẽ bảo đảm cung cấp vốn dài hạn cho doanh nghiệp; nâng cao khả năng cho vay vốn kỳ hạn dài của các ngân hàng và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; gắn cổ phần hóa với niêm yết trên thị trường có điều kiện niêm yết cao nhằm nâng cao giá trị thị trường.
Đối với thị trường chứng khoán: nâng cao chất lượng công ty niêm yết nhằm thúc đẩy hiệu quả sử dụng vốn; phát triển thị trường TPDN gồm các loại trái phiếu nhằm giúp doanh nghiệp linh hoạt trong xây dựng cấu trúc vốn; nâng cao quản trị điều hành, quản trị công ty; yêu cầu chặt chẽ hơn về công bố thông tin; phát triển chứng khoán phái sinh giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro lãi suất; áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế nhằm bảo đảm phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp: xây dựng cấu trúc vốn phù hợp đặc điểm và nâng cao khả năng dự báo vĩ mô; bảo đảm độ tín nhiệm để nâng cao khả năng huy động vốn; tăng nợ vay dài hạn thay vì các loại nợ khác sẽ giúp cải thiện hoạt động; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn khi phát hành cổ phiếu; nâng cao chất lượng báo cáo tài chính, công bố thông tin nhằm nâng cao giá trị thị trường; áp dụng quản trị công ty hiện đại và năng lực quản lý điều hành.