LA06.024_Tác động của bất bình đẳng giới tới phát triển ở Việt Nam
1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
Tại cuộc họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trên thế giới tháng 9 năm 2000, bình đẳng giới đã được là mục tiêu phát triển thứ 3 một trong 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, được ghi vào tuyên ngôn Thiên niên kỷ của UN và được 147 nước ký cam kết thực hiện. Từ góc độ nhân quyền, mục tiêu này nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của con người về phúc lợi liên quan đến sức khỏe, giáo dục, điều kiện sống và an ninh. Từ góc độ phát triển, giảm BBĐG được coi là biểu hiện của quá trình tiến bộ xã hội của một quốc gia. Những nhận định này đã khẳng định giá trị tốt đẹp của bình đẳng giới. Vì vậy, để hướng tới phát triển, cần tìm ra những biểu hiện và mức độ BBĐG để đánh giá và can thiệp kịp thời, đặc biệt là các hủ tục rất lạc hậu đối với phụ nữ và trực tiếp ảnh hưởng đến phúc lợi
của họ [66].
Bình đẳng giới còn thu hút sự quan tâm của giới học thuật bởi nó vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các nước đang phát triển [65, tr. 4] và ảnh hưởng đến các phương diện khác của phát triển (Dollar và Gatti, 1999, Klasen 2002, Klasen và Lamanna 2009). Chia sẻ quan điểm này, các tác giả Abu-Ghaida và Klasen (2004) đã ước tính những chi phí tính theo tỷ lệ TTKT và PTCN mà các nước đã phải trả giá khi không đạt được mục tiêu bình đẳng giới về giáo dục. Nhóm tác giả đã chứng minh rằng 45 quốc gia được khảo sát mà không đạt được những tiến bộ về bình đẳng giới trong giáo dục đã mất đi 0,1 đến 0,.3% TTKT. Ngoài ra, những quốc gia này cũng chịu những tác động tiêu cực về PTCN như: số trẻ em trên mỗi phụ nữ tăng thêm 0,1 đến 0,4; tỷ lệ chết của trẻ em dưới 5 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em tăng thêm tương ứng 1,5 và 2,5%. Tuy nhiên, một số nghiên cứu về tác động của BBĐG tới phát triển ở một nhóm các quốc gia cho thấy chiều hướng và mức độ của tác động vẫn còn chứa đựng những tranh luận. Chẳng hạn, tác giả Seguino (2000) cho rằng chênh lệch lương theo giới có tác động tích cực đến TTKT của các nước áp dụng chiến lược hướng về xuất khẩu thông qua việc tăng cường năng lực cạnh tranh của những ngành thâm dụng lao động nữ với mức lương thấp hơn [61]. Các tác giả Schober và Winer-Ebmer (2011) tiến hành nghiên cứu này với ba nhóm quốc gia và có kết luận hoàn toàn ngược lại: bất kỳ sự BBĐG trên phương diện nào cũng có tác động tiêu cực tới tăng trưởng [59]. Nhóm tác giả Dollar và Gatti (1999) đã chỉ ra rằng những quốc gia có trình độ phát triển cao hơn sẽ chịu tác động lớn hơn của BBĐG trong giáo dục. Các tác giả Klasen và Lamanna (2009) cũng đã kết luận rằng mức độ tác động có thay đổi theo khi xét thêm yếu tố khu vực. Tương tự, các tác giả Bandiera và Natraj (2013) cũng kết luận rằng các nghiên cứu về tác động của BBĐG cho đến nay chủ yếu dựa vào phân tích số liệu của một nhóm các quốc gia với rất nhiều khác biệt nên những phát hiện từ các nghiên cứu đó có thể đúng trong phạm vi một quốc gia, hay trong nhóm quốc gia cụ thể khác [26].
Vì vậy, để có cơ sở cho những hoạch định chính sách hiệu quả cho một quốc gia, cần tiến hành nghiên cứu riêng cho quốc gia ấy. Ở Việt Nam, quan điểm của Đảng cộng sản cũng nhấn mạnh việc đảm bảo cơ hội và quyền lợi của người phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày 24/12/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 20112020. Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ đã xác định tầm quan trọng của bình đẳng giới và việc lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách quốc gia
[55]. Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới đánh giá là có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm BBĐG với chỉ số BBĐG (GII) xếp thứ 48 trên 131 quốc gia trong danh mục xếp hạng của UNDP năm 2012 [1]. Tuy nhiên, nếu so sánh với nam giới về địa vị và phúc lợi thì phụ nữ Việt Nam vẫn còn chịu bất lợi trên nhiều phương diện như việc làm, giáo dục, sức khỏe, địa vị xã hội… Cụ thể, Việt Nam có tỷ lệ nữ tham gia đại biểu quốc hội của là 24,4% [24] trong khi đó tỷ lệ này ở Thụy Điển là 44,7%, ở Phần Lan là 42,5%, ở Nam Phi là 41,1%; và tỷ lệ nam và nữ tham gia lực lượng lao động trong tổng dân số nam và nữ tương ứng là 81,2 và 73,2; tỷ lệ hoàn thành giáo dục trung học trở lên đối với nữ và nam tương ứng là 24,7% và 28%, trong khi tỷ lệ này là gần 100% đối với cả nam và nữ ở các nước Pháp, Anh, Canada, Áo, Séc và xấp xỉ 49,5% đối với Anđôra; tỷ lệ chết trong 100.000 lượt phụ nữ mang thai và sinh con là 59 trong khi tỷ lệ này ở Estonia là 2, ở Singapo là 3, ở Thụy Điển, Italia và Belarus là 4, ở Ba Lan là và ở Úc là 7 [71]. Ngoài ra, theo tổng kết của UN Women (2013), tỷ lệ nữ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà chỉ có 20%, trong khi
con số này đối với nam là 52%, và tỷ lệ nam và nữ cùng đứng tên là 18% [20].
Hơn nữa, tỷ số giới tính khi sinh (tỷ lệ bé trai/100) đã tăng từ 107,3 (năm 2000) lên tới 113,8 (năm 2013) tính chung cho toàn quốc và đặc biệt lên tới 115,5 (năm 2013) tính riêng cho nông thôn. Điều này đã khẳng định thấy tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, và hành động lựa chọn giới tính thai nhi trở nên rõ rệt khi có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại [21]. Trong điều kiện các chiến lược, giải pháp đã được ban hành nhưng thực tiễn BBĐG vẫn tồn tại như vậy thì việc tìm hiểu cụ thể hơn về biểu hiện và tác động của BBĐG tới phát triển ở Việt Nam rất có ý nghĩa