Sự tiến triển trong nghiên cứu sự gắn bó của nhân viên
Hiện nay trên thế giới, đã có rất nhiều học giả thực hiện nghiên cứu về khái niệm sự gắn bó của nhân viên chẳng hạn như: Mowday và cộng sự (1979), Meyer và Allen (1990); Charles O.và Jennifer C.(1986). Đây thực sự là một khái niệm đầy thách thức và được nghiên cứu trong hầu hết các lĩnh vực như quản lý, hành vi tổ chức,… (Dixit V. Và Bhati M., 2012) . Khái niệm về sự gắn bó với tổ chức được bắt nguồn từ một bài viết có tên “The organization Man” của tác giả Whyte vào năm 1956 (Dixit V. và Bhati M., 2012). Cho đến năm 1970 trở đi, đề tài này trở nên phổ biến và được nhiều học giả nghiên cứu (Bozlagan và cộng sự 2010).
Cũng giống như các khái niệm khác, các nhà nghiên cứu có nhiều cách khác nhau để tiếp cận đến khái niệm sự gắn bó của nhân viên. Người ta cũng cho rằng có một sự liên hệ giữa sự hài lòng của nhân viên với sự gắn bó của nhân viên trong tổ chức.
Xem thêm: Khái niệm sự gắn bó của nhân viên
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, các nhà nghiên cứu cũng không thể thống nhất được hai khái niệm này. Trong quá trình nghiên cứu, các học giả luôn cố gắng tìm ra mối liên kết giữa sự gắn bó với việc giữ chân nhân viên bởi lẽ điều này vô cùng ý nghĩa đối với các nhà quản trị nguồn nhân lực (J. Anitha và Farida B. 2016).
Có hai phương pháp tiếp cận lý thuyết xuất hiện trong các nghiên cứu về sự gắn bó của nhân viên đối với DN. Cách tiếp cận thứ nhất nhấn mạnh sự ảnh hưởng của thái độ gắn bó đối với các hành vi, còn cách tiếp cận thứ hai nhấn mạnh sự ảnh hưởng của hành vi gắn bó lên thái độ. Mặc dù hai cách tiếp cận này xuất hiện từ những định hướng lý thuyết khác nhau, và tạo ra những sự khác biệt trong nghiên cứu, nhưng hai cách tiếp cận này đều có sự liên quan mật thiết với nhau. Thay vì cho rằng mối quan hệ giữa thái độ gắn bó và hành vi gắn bó là mối quan hệ nhân quả, chúng ta nên xem đây là mối quan hệ tương hỗ qua lại (Rajendran M. và Raduan C.R., 2005).
Ngày nay, thế giới ngày càng năng động phát triển, kèm theo đó là sự bất ổn về an ninh. Dường như không còn tồn tại khái niệm “công việc làm cả đời”. Mọi người không ngừng lo sợ về công việc và mất đi động lực làm việc (Ranya N., 2009). Tuy nhiên, việc nghiên cứu về sự gắn bó vẫn vô cùng quan trọng bởi nó đóng vai trò không thể thiếu trong sự thành công của một tổ chức.