LA09.040_Sự hòa hợp giữa kế toán Việt Nam và Quốc tế trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất – Từ chuẩn mực đến thực tiễn
1. Tính cấp thiết của đề tài
Từ những thập niên cuối thế kỷ XX đến nay, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, tiến trình hòa hợp và hội tụ kế toán tại các quốc gia trên thế giới diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Cũng theo xu thế này, năm 1999, Việt Nam (Bộ Tài chính) bắt đầu nghiên cứu, soạn thảo chuẩn mực kế toán (CMKT) theo hai nguyên tắc cơ bản: (i) dựa trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế về kế toán và (ii) phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam, phù hợp với hệ thống luật pháp, trình độ, kinh nghiệm kế toán, kiểm toán của Việt Nam. Đến cuối năm 2005, 26 VAS (Vietnamese Accouting Standard – CMKT Việt Nam) đã được ban hành. Tuy nhiên, từ khi được chính thức áp dụng cho đến nay, mặc dù nội dung đã có những lạc hậu nhất định so với các IAS (International Accounting Standard – tạm dịch: CMKT quốc tế) và IFRS (International Financial Reporting Standard – tạm dịch: Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế) nhưng các VAS vẫn chưa lần nào được sửa đổi, bổ sung. Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế thị trường đang trong giai đoạn hoàn thiện và yêu cầu hội nhập kinh tế, tháng 5 năm 2011, Bộ Tài chính công bố quyết định thành lập Ban nghiên cứu, xây dựng, ban hành, công bố VAS. Theo định hướng, đến năm 2015, Việt Nam sẽ công bố đầy đủ các chuẩn mực liên quan, cần thiết và phù hợp với nền kinh tế thị trường, tiệm cận được các IAS/IFRS.
Có thể thấy rằng, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) nói chung và báo cáo tài chính hợp nhất (BCTC HN) nói riêng theo các VAS chưa sửa đổi. Việc các VAS được sửa đổi, bổ sung theo hướng tiệm cận với các IAS/IFRS theo lộ trình mà Bộ Tài chính đang tiến hành có thể sẽ làm phát sinh không ít vấn đề, có thể làm tổn hao nhiều thời gian và công sức đối với cả các DN lẫn các cơ quan nhà nước có liên quan. Trên quan điểm xu hướng hội tụ kế toán với IAS/IFRS là không tránh khỏi, việc nghiên cứu mức độ hòa hợp của kế toán Việt Nam, trước hết ở góc độ BCTC HN nhằm góp phần làm sáng tỏ khoảng cách giữa kế toán Việt Nam với kế toán quốc tế ở hai khía cạnh: chuẩn mực kế toán và thực tế kế toán, để từ đó có thể đưa ra các giải pháp vừa đảm bảo tiến trình hội tụ với kế toán quốc tế vừa phù hợp với thực tế tại Việt Nam như quan điểm xây dựng hệ thống VAS ban đầu đã công bố là hết sức cấp thiết. Xuất phát từ lý do này, tác giả chọn đề tài “Sự hòa hợp giữa kế toán Việt Nam và Quốc tế trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất – Từ chuẩn mực đến thực tiễn” làm nội dung nghiên cứu trong luận án tiến sĩ của mình.
2. Mục tiêu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu chính yếu của luận án là đánh giá về sự hòa hợp giữa kế toán Việt Nam và quốc tế trong việc lập và trình bày BCTC HN, từ chuẩn mực đến thực tiễn. Để đạt được mục tiêu trên, các nội dung mà luận án tập trung nghiên cứu bao gồm:
(1) Tổng hợp, phân tích các tài liệu, công trình nghiên cứu về: (i) Hòa hợp kế toán trên các khía cạnh: bản chất của hòa hợp kế toán, các loại hòa hợp kế toán và mối quan hệ giữa các loại hòa hợp kế toán, mối quan hệ giữa hòa hợp kế toán với chất lượng của BCTC, các nhân tố ảnh hưởng đến hòa hợp kế toán; (ii) Báo cáo tài chính hợp nhất; (iii) Hòa hợp kế toán lập và trình bày BCTC HN đã được thực hiện trên thế giới và tại Việt Nam.
(2) Xây dựng các giả thuyết về sự mức độ hòa hợp giữa kế toán Việt Nam và quốc tế trong việc lập và trình bày BCTC HN, từ chuẩn mực đến thực tiễn.
(3) Hệ thống hóa các nguyên tắc cơ bản về lập và trình bày BCTC HN theo quy định của VAS và các văn bản pháp luật hướng dẫn kế toán có liên quan. Tổng hợp tình hình thực tế kế toán lập và trình bày BCTC HN tại các DN Việt Nam.
(4) Kiểm định các giả thuyết về sự hòa hợp giữa kế toán Việt Nam và quốc tế trong việc lập và trình bày BCTC HN, từ chuẩn mực đến thực tiễn.
(5) Đưa ra một số đề xuất nhằm góp phần thực hiện tiến trình hòa hợp với kế toán quốc tế trong việc lập và trình bày BCTC HN tại Việt Nam trên hai góc độ: CMKT và thực tế kế toán.
Thông qua việc thực hiện 5 nội dung trên, các câu hỏi nghiên cứu cần phải được làm rõ bao gồm:
(1) Bản chất của hòa hợp kế toán, hòa hợp CMKT, hòa hợp thực tế kế toán là gì ? Hòa hợp CMKT có dẫn đến hòa hợp thực tế kế toán hay không ? Tăng hòa hợp kế toán có thực sự làm tăng chất lượng BCTC do các DN cung cấp ? Các nhân tố nào có ảnh hưởng đến tiến trình hòa hợp kế toán ?
(2) Mục đích, đặc điểm chất lượng và các nguyên tắc chung liên quan đến việc lập và trình bày BCTC HN ? Kết quả thu được từ các nghiên cứu trong và ngoài nước về BCTC HN và hòa hợp kế toán lập và trình bày BCTC HN cho thấy điều gì ? Các vấn đề nào cần tiếp tục nghiên cứu để có thể đánh giá về sự hòa hợp giữa kế toán Việt Nam và quốc tế trong việc lập và trình bày BCTC HN ? Các giả thuyết đặt ra cho sự hòa hợp giữa kế toán Việt Nam và quốc tế trong việc lập và trình bày BCTC HN, từ chuẩn mực đến thực tiễn, là gì ?
(3) Để các vấn đề nghiên cứu được thực hiện một đáng tin cậy, luận án sẽ sử dụng các phương pháp nào để kiểm định các giả thuyết về sự hòa hợp giữa kế toán Việt Nam và quốc tế trong việc lập và trình bày BCTC HN, từ chuẩn mực đến thực tiễn ?
(4) Kết quả kiểm định các giả thuyết đặt ra về sự hòa hợp giữa kế toán Việt Nam và quốc tế trong việc lập và trình bày BCTC HN, từ chuẩn mực đến thực tiễn là gì ?
(5) Các giải pháp nào có thể áp dụng để tiến hành tiệm cận VAS với IAS/IFRS mà vẫn đảm bảo phù hợp với phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam, phù hợp với hệ thống luật pháp, trình độ, kinh nghiệm kế toán, kiểm toán của Việt Nam ?
LA09.040_Sự hòa hợp giữa kế toán Việt Nam và Quốc tế trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất – Từ chuẩn mực đến thực tiễn