LA02.142_Rủi ro và lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trường hợp Việt Nam và các nước Châu Á Thái Bình Dương
Kết quả đạt được và những đóng góp mới của luận án
Với mục tiêu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu như trên, kết quả nghiên cứu đã cho thấy việc gia tăng vốn chủ sở hữu giúp ngân hàng hạn chế phần nào được rủi ro ngân hàng; trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế, ngân hàng nên quan tâm đến giá trị của ngân hàng trên thị trường, mở rộng hoạt động ngoại bảng, tăng trưởng tín dụng nhằm giúp ngân hàng giữ vững vị thế trên thị trường, duy trì dòng tiền trong tương lai, từ đo hạn chế được rủi ro. Lợi nhuận ngân hàng theo sổ sách chịu ảnh hưởng của rủi ro tín dụng, rủi ro tổng thể, rủi ro thị trường, và rủi ro đặc thù, trong đó có sự tác động rõ nét nhất đối với thang đo tỷ lệ lợi nhuận ROA. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong mẫu nghiên cứu thuộc 18 nước, luận án đã nghiên cứu rủi ro và lợi nhuận cho trường hợp Việt Nam với bộ số liệu 16 NHTM Việt Nam cho kết quả: (i) Để hạn chế rủi ro tín dụng, các NHTM Việt Nam cần lưu ý nhiều đến việc tăng vốn chủ sở hữu, đẩy mạnh các sản phẩm ngoại bảng, (ii) Để nâng cao hiệu quả lợi nhuận, các NHTM Việt Nam nên tập trung hạn chế rủi ro tín dụng. Kết quả này là một bằng chứng kiểm định thực nghiệm cho trường hợp châu Á – Thái Bình Dương.
So với các nghiên cứu thực nghiệm trước, đề tài của luận án mang một sốđóng góp quan trọng sau:
+ Luận án lần đầu tiên phân tích rủi ro và lợi nhuận đối với các NHTM châu Á – Thái Bình Dương. Kết quả nghiên cứu có kết hợp kiểm chứng cho trường hợp Việt Nam, cho thấy độ tin cậy cao.
+ Luận án trình bày ngắn gọn và đầy đủ lý thuyết về rủi ro và lợi nhuận của một doanh nghiệp. Đây là cơ sở để biện luận và phát triển các nghiên cứu thực nghiệm các tác giả trước và trong luận án này.
+ Luận án đã trình bày chi tiết phương pháp đo lường rủi ro ngân hàng, trong đó, nhấn mạnh phương pháp đo lường rủi ro từ dữ liệu thị trường như: rủi ro tổng thể, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất và rủi ro đặc thù.
+ Luận án đã hệ thống hóa các nghiên cứu thực nghiệm về phân tích các yếu tố tác động đến rủi ro và các nghiên cứu thực nghiệm phân tích tác động của rủi ro đến lợi nhuận ngân hàng.
+ Luận án đã đưa ra bằng chứng thực nghiệm về các yếu tố tác động rủi ro ngân hàng và tác động rủi ro đến lợi nhuận ngân hàng trong trường hợp châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam.
1.7. Cấu trúc nghiên cứu
Nội dung luận án gồm có 5 phần chính, cụ thể như sau:
Chương 1: Mở đầu
Chương này trình bày lý do chọn đề tài, xác định câu hỏi và mục tiêu nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu. Đồng thời, chương này cũng khái quát nguồn số liệu và phương pháp thu thập dữ liệu. Cuối cùng, chương này cũng giới thiệu tóm tắt cấu trúc tổ chức của luận án.
Chương 2: Cơ sở lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm
Chương này giới thiệu khung lý thuyết về các yếu tố tác động đến rủi ro và tác động của rủi ro đến lợi nhuận ngân hàng. Đầu tiên, lý thuyết sẽ trình bày các lược khảo lý thuyết về rủi ro tổng thể, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro đặc thù. Trên cơ sở các nghiên cứu trước, luận án sẽ xây dựng các giả thuyết cho từng yếu tố như: Vốn ngân hàng, Chater value, cấu trúc thu nhập, hoạt động ngoại bảng, quy mô, tăng trưởng tín dụng tác động như thế nào đến rủi ro. Nội dung thứ hai trong phần này sẽ thảo luận ngắn về các lý thuyết nền tảng như Markowitz (1959), Sharpe và Lintner (1965), Merton (1987). Các lý thuyết này cho thấy tính đánh đổi (trade off) giữa rủi ro và lợi nhuận, và điều này đã được kiểm chứng qua các nghiên cứu thực nghiệm. Cũng cần lưu ý rằng các nghiên cứu thực nghiệm áp dụng cho nhiều nhân tố rủi ro và nhiều cách tiếp cận đo lường lợi nhuận khác nhau đã mang đến nhiều kết quả khác biệt. Nhưng trên hết, những lược khảo lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm sẽ là cơ sở cho việc đề xuất khung lý thuyết của luận án.
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu
Để thực hiện giả thuyết nghiên cứu, chương này trình bày mô hình định lượng để lượng hóa các mối quan hệ về rủi ro và lợi nhuận của các NHTM. Theo cách tiếp cận mô hình rủi ro thị trường đa nhân tố (Flannery, 1984), rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro đặc thù sẽ được đo lường. Bên cạnh đó, phù hợp với các nghiên cứu trước của Sun (2011), Haq và Heaney (2012), luận án sẽ đưa vào rủi ro tổng thể và rủi ro tín dụng. Trên cơ sở phân tích đánh giá ưu nhược điểm của từng đo lường, luận án sẽ lựa chọn thang đo phù hợp cho từng khái niệm nghiên cứu của luận án. Ngoài ra, phần này cũng trình bày cụ thể dữ liệu báo cáo tài chính của 18 nước châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có nhấn mạnh đến Việt Nam cùng với số liệu giá cổ phiếu các ngân hàng, chỉ số thị trường và dữ liệu kinh tế vĩ mô trong suốt giai đoạn 2000-2013.
Chương 4: Kết quả nghiên cứu
Chương này trình bày kết quả nghiên cứu định lượng về các yếu tố tác động đến rủi ro ngân hàng và rủi ro tác động tới lợi nhuận trong trường hợp Việt Nam và các nước châu Á – Thái Bình Dương. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, luận án cũng tiến hành so sánh với các nghiên cứu trước.
Chương 5: Kết luận và đề xuất giải pháp
Từ cơ sở lý thuyết và kết quả nghiên cứu định lượng, chương 5 sẽ đưa ra những kết luận chung và sẽ đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả vềmặt lợi nhuận của các ngân hàng thông qua hạn chế đến mức thấp nhất tác động của rủi ro ngân hàng, trong ngắn hạn và dài hạn ở Việt Nam và các nước châu Á – Thái Bình Dương. Sau khi đã hoàn thành nghiên cứu, luận án đã đúc kết lại những đóng góp của luận án về mặt lý thuyết và thực tiễn, đồng thời, trình bày những hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.