LA02.081_Quy tắc xuất xứ hàng hoá với việc áp dụng thuế quan ưu đãi của Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN
5. Những đóng góp mới của luận án:
5.1.Những đóng góp về mặt học thuật và lý luận.
Luận án nghiên cứu hệ thống hoá và làm rõ hơn các nội dung về lý luận liên quan đến xuất xứ hàng hoá, quy tắc xuất xứ hàng hoá, thuế quan ưu đãi trong ASEAN và xem xét, đánh giá, đi sâu nghiên cứu các kết quả đạt được, phân tích các hạn chế, tồn tại, và chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nhằm tìm kiếm các giải pháp thực hiện tốt quy tắc xuất xứ hàng hoá với việc áp dụng thuế quan ưu đãi của Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN gắn với định hướng đến năm 2025. Một số nội dung tiêu biểu có tính học thuật cao như: (i) Phân tích và làm rõ thêm các nội dung về xuất xứ hàng hoá, quy tắc xuất xứ hàng hoá và thuế quan ưu đãi: khái niệm về xuất xứ hàng hoá; quy tắc xuất xứ hàng hoá; chứng nhận xuất xứ hàng hoá; thuế quan ưu đãi với việc áp dụng xuất xứ hàng hoá. (ii) Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hoá trong áp dụng thuế quan ưu đãi.
5.2.Những phát hiện mới và một số giải pháp đề xuất.
Thứ nhất, phân tích thực trạng thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hoá trong áp dụng thuế quan ưu đãi của Việt Nam trong bối cảnh từ khi bắt đầu thực hiện khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) đến khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN thời gian qua. Phân tích được làm rõ trên các khía cạnh: (i) Xây dựng, ban hành pháp luật và thực thi nội dung của quy tắc xuất xứ hàng hoá trong ưu đãi thuế quan; (ii) Xác định và cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá; (iii) Công tác kiểm tra và xác minh xuất xứ hàng hoá của Việt Nam. Trên cơ sở đó, đánh giá những tác động của quy tắc xuất xứ hàng hoá đến thuế quan ưu đãi đặc biệt và trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước thành viên trong AEC. Từ đó chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế này trong quá trình thực hiện thời gian qua làm cơ sở luận cứ đưa ra các giải pháp phù hợp.
Thứ hai, tổng hợp và làm rõ xu thế phát triển của các hiệp định thương mại tự do mới sẽ có ảnh hưởng gì đến việc thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hoá trong áp dụng thuế quan ưu đãi trong thời gian tới.
Thứ ba, đưa ra các giải pháp đối với nhà nước và doanh nghiệp để góp phần thực hiện tốt quy tắc xuất xứ hàng hoá trong áp dụng thuế quan ưu đãi trong bối cảnh Việt Nam gia nhập AEC. Bao gồm:
– Bốn nhóm giải pháp với nhà nước: (i) Tạo dựng khuôn khổ pháp lý xuất xứ hàng hoá hoàn chỉnh trên cơ sở nền tảng các quy định về xuất xứ trong AEC; (ii) Đẩy mạnh việc hỗ trợ, phối hợp trao đổi thông tin và kiến thức về thuế quan và xuất xứ hàng hoá trong AEC giữa các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp; (iii) Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành nghề sản xuất nhằm đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ hàng hoá trong AEC; (iv) Tăng cường nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về xuất xứ hàng hoá trong AEC của các cơ quan quản lý nhà nước.
-Ba nhóm giải pháp đối với doanh nghiệp: (i) Chủ động, tích cực nắm bắt và áp dụng các quy định về xuất xứ hàng hoá, thuế quan vào trong hoạt động kinh doanh; (ii) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ, am hiểu về xuất xứ hàng hoá; (iii) Đầu tư nâng cao trình độ, năng lực sản xuất để đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hoá trong AEC.