LA02.069_Quản trị Tài sản Nợ ALM tại NHTM cổ phần Công thương Việt Nam
Quản trị Tài sản- Nợ (ALM) là hoạt động rất quan trọng và rất đặc trưng của mỗi NHTM (NHTM) trong nền kinh tế nhằm góp phần đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh doanh. Đó là quá trình đưa ra tập hợp các quyết định về sự cân xứng và bất cân xứng giữa tài sản- nợ, đặc biệt là về kỳ hạn và đặc điểm định giá lại. Hệ thống lý thuyết và kinh nghiệm phát triển về ALM đã xuất hiện tại các nước có nền kinh tế thị trường phát triển từ khá lâu. Hiện nay, ALM đã là hoạt động tất yếu, quan trọng và thường xuyên của các NHTM. Các tổ chức tài chính quốc tế về lĩnh vực ngân hàng (như BIS) hoặc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm về NHTM (S&P, Moody’s hay Fitch…) đều đưa khả năng và hiệu quả là nội dung trọng yếu trong việc đánh giá hoặc khuyến cáo về quản trị của NHTM. Khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua là hồi chuông cảnh báo cho việc xem nhẹ ALM trong kinh doanh của NHTM (tính đến ngày 28/7/2010, tại Mỹ có 114 NHTM tuyên bố phá sản theo luật thì tất cả các NHTM đó đều bị đánh giá do khả năng ALM hạn chế). Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu phát triển lý thuyết cùng các kinh nghiệm ALM cho các NHTM càng trở nên bức thiết và cần thực hiện thường xuyên trong mọi hoàn cảnh kinh tế.
Ngày nay, NHTM là một loại hình tổ chức rất phức tạp, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ tài chính đa dạng thông qua các bộ phận chức năng. Sự không chắc chắn vốn có của dòng tiền của ngân hàng, chi phí vốn và thu nhập từ hoạt động đầu tư, cùng với sự gia tăng về các thay đổi đa dạng của các điều kiện kinh tế trong thời gian qua đã nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hoạt động quản trị Tài sản – Nợ tại NHTM. Với một ngân hàng được quản lý tốt, mọi quyết định quản lý liên quan đến tài sản, nguồn vốn cần được phối hợp thường xuyên để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động, tránh tình trạng mâu thuẫn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập và giá trị ròng của ngân hàng.
Khủng hoảng tài chính xảy ra trên thế giới, đã tác động không nhỏ đến hoạt động của hệ thống tài chính và kinh tế của Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2008 2011, biến động của môi trường kinh doanh ngân hàng, khiến cho kết quả hoạt động bị ảnh hưởng. Các ngân hàng bị thiếu hụt thanh khoản trầm trọng, lãi suất tăng cao. Năm 2008 thị trường chứng kiến cuộc chạy đua lãi suất giữa các NHTM, lãi suất huy động xấp xỉ 18%, còn lãi suất cho vay trên 22%. Và theo nguyên lý, lãi suất tăng mạnh thì sẽ giảm mạnh. Sự biến động của lãi suất thị trường, sự tồn tại bất cân xứng kỳ hạn giữa Tài sản và Nợ, dẫn đến rủi ro lãi suất cho các NHTM VN, mặc dù giai đoạn đó, các ngân hàng chưa quan tâm nhiều đến quản trị rủi ro lãi suất nên không có con số cụ thể về tổn thất do rủi ro lãi suất gây nên, vì thế việc phòng ngừa rủi ro lãi suất rất bị động.
Hơn nữa, các ngân hàng với mô hình quản trị truyền thống, nên rất khó để có thể quản lý được sát sao rủi ro lãi suất, rủi ro thanh khoản trong toàn hàng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới mô hình quản trị, một số NHTM VN đã bắt đầu quan tâm đến quản trị sự bất cân xứng về kỳ hạn giữa Tài sản và Nợ, theo phương pháp quản trị hiện đại ALM. Kỹ thuật quản trị Tài sản – Nợ (ALM) là một vũ khí sắc bén giúp ngân hàng chống lại những biến động của chu kỳ kinh doanh và sức ép mang tính thời vụ đối với hoạt động nhận tiền gửi và cho vay, đồng thời đây cũng là một phương pháp quản lý hữu hiệu trong quá trình xây dựng danh mục tài sản tối ưu.
NHTM Cổ phần Công thương Việt Nam là một trong những ngân hàng tiên phong áp dụng phương pháp quản trị hiện đại này. Những năm gần đây, hoạt động của NHTMCP Công thương Việt Nam đã có những thay đổi tích cực cả về mặt lượng lẫn mặt chất. Định hướng hoạt động của ngân hàng trong những năm tới là đảm bảo duy trì tình trạng tài chính ổn định, an toàn ở mức cao, tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn vốn, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, của cổ đông, nâng cao chất lượng hoạt động… Để đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh, gia tăng giá trị ròng cho các cổ đông, NHTMCP Công thương Việt Nam đã và đang đổi mới phương pháp quản trị, áp dụng mô hình quản trị Tài sản – Nợ trong hoạt động quản trị của mình. Tuy nhiên, do mới áp dụng, kinh nghiệm, năng lực và các điều kiện thực hiện còn hạn chế, vì vậy chưa thực sự phát huy hết vai trò của hoạt động ALM. Vì vậy, tôi đã lựa chọn đề tài “Quản trị Tài sản – Nợ (ALM) tại NHTM cổ phần Công thương Việt Nam” để nghiên cứu cho luận án tiến sĩ.